Đánh thức nguồn lực cầu thủ Việt kiều

.

Bóng đá Việt Nam đã đón nhận rất nhiều cầu thủ Việt kiều trong 22 năm qua. Dù thế, không mấy gương mặt thành công ở mọi cấp độ. Đánh thức được nguồn lực này vẫn là thách thức lớn.

Thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm (bìa trái) đã có những nghị lực phi thường khi trở về Việt Nam lập nghiệp. Ảnh: M.M
Thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm (bìa trái) đã có những nghị lực phi thường khi trở về Việt Nam lập nghiệp. Ảnh: M.M

1. Lee Nguyễn, tên tiếng Việt là Nguyễn Thế Anh, cầu thủ này từng thuộc biên chế CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) những năm 2009 nhưng đã mờ nhạt, nhanh chóng trở về Mỹ và tỏa sáng. Trình độ của Lee Nguyễn không phải bàn cãi khi anh là tuyển thủ của đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Mỹ, nhưng để thành công ở V-League thì trầy trật. Cho đến tận năm 2021, khi đã 35 tuổi, Lee Nguyễn vẫn quyết định trở lại Việt Nam thi đấu trong màu áo đội bóng Thành phố Hồ Chí Minh. Anh chỉ thu hút được đông đảo sự quan tâm từ báo chí và dư luận, bằng hình ảnh chứ không phải chuyên môn.

Lee Nguyễn chỉ là một trong số những cái tên cầu thủ Việt kiều đồng loạt cập bến V-League như: Patrick Lê Giang, Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Lâm, Adriano Schmidt, Jonhny Nguyễn, mới nhất là Duy Thành, thủ thành mang hai dòng máu Việt - Đức, xuất hiện ở các buổi tập của U19 Việt Nam mấy ngày qua.

Với việc ăn tập và sinh sống ở những môi trường có nền bóng đá phát triển hơn, nhiều cầu thủ Việt kiều chỉ thể hiện tham vọng thi đấu cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam, chứ không phải trui rèn tại các CLB để rồi từng bước đi lên. Chính vì thế, hầu hết những cái tên kể trên đều có xuất phát điểm không mấy thuận lợi. Thậm chí, nhiều nhân tố đã sớm vỡ mộng.

Lý giải cho điều này, sẽ có rất nhiều nguyên nhân được nêu ra. Sự khác biệt về văn hóa, con người, bầu không khí ăn tập, lối chơi và cách vận hành của các CLB Việt Nam. Nhiều cầu thủ thậm chí còn chưa “sỏi” tiếng Việt dẫn đến việc hòa nhập rất khó khăn. Với tâm lý đôi khi “xem thường” V-League và cho đây chỉ là một giải đấu ít mang tính cạnh tranh, nhiều cái tên đã nhận phải trái đắng bởi chuyên môn của họ thậm chí còn không đáp ứng nổi yêu cầu của đội bóng chủ quản.

2. Ngay cả những trường hợp như kiểu Mạc Hồng Quân hay Michal Nguyễn vốn xuất phát điểm từ những lò đào tạo bài bản nhưng cũng vấp phải rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng chỗ đứng cho riêng mình tại V-League. Mạc Hồng Quân sau khi “ăn cơm tuyển” đã nhanh chóng lụi tàn vì thói quen thích hưởng thụ, lún sâu vào giới showbiz và scandal.

Thành công như Đặng Văn Lâm, trước khi trở thành người gác đền số 1 của đội tuyển Việt Nam cũng từng trải qua quãng thời gian mài ghế dự bị tại HAGL. Nói thế để thấy, dù có xuất thân hay khởi đầu từ trời Âu đi chăng nữa, việc khẳng định tên tuổi tại bóng đá Việt Nam là không hề dễ dàng.

Cho đến hiện tại, rất nhiều cái tên Việt kiều đã đến và đi. Nhiều cầu thủ đã lớn tuổi và không thể tiếp tục chơi bóng đỉnh cao. Số khác thì ra đi theo cái cách không kèn không trống vì vốn dĩ không mấy đóng góp cho CLB. Tất nhiên, vẫn còn những cái tên hiện là trụ cột tại đội bóng của mình như: Adriano Schmidt, Tonny Lê Tuấn Anh (Bình Định), Davide Nguyễn (B.Bình Dương), Martin Lo (Hải Phòng)… Nhưng cũng cần nói thêm, số lượng những cầu thủ này không quá nhiều.

Đã từng có nhiều ý kiến cho rằng, tại sao V-League kém thu hút cầu thủ Việt kiều đến vậy? Lý do có thể đến từ nhiều phía. Các đội bóng tại V-League thường quan tâm đến các ngoại binh chất lượng hơn. Họ còn phải chú trọng việc tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ. Thực tế, cơ hội cho các cầu thủ Việt kiều không phải là không có nhưng bóng đá Việt Nam giờ đây tính cạnh tranh rất cao. Ngay cả các cầu thủ U23 vừa chơi nổi bật ở SEA Games 31, vòng chung kết U23 châu Á vừa qua đa số đều ngồi ghế dự bị ở V-League, hạng Nhất.

Tóm lại, nguồn lực từ cầu thủ Việt kiều rất có tiềm năng,  cần được đánh thức. Nếu các nhân tố này phát triển cũng sẽ góp phần mở ra nguồn lực lượng mới cho mặt trận đội tuyển quốc gia. Tuy vậy, chúng ta vẫn cần những “tinh hoa” trở về, thay vì trình độ chỉ làng nhàng, tính cầu tiến lại không cao.

QUANG HUY

;
;
.
.
.
.
.