Những tật xấu đang hủy hoại bóng đá chuyên nghiệp

.

Mùa giải 2022 mới diễn ra được 1/3 chặng đường, nhưng một số hành vi xấu từ một bộ phận khán giả và cả cầu thủ lẫn HLV một số đội bóng đã khiến hình ảnh giải chuyên nghiệp bị suy giảm nghiêm trọng.

Nhóm khán giả Hải Phòng đã đốt pháo sáng trên sân Vinh tối thứ Bảy vừa qua. Ảnh: Hoàng Linh
Nhóm khán giả Hải Phòng đã đốt pháo sáng trên sân Vinh tối thứ Bảy vừa qua. Ảnh: Hoàng Linh

1. Mức án nặng đầu tiên phải kể đến trường hợp cầu thủ Ngô Anh Vũ của đội Bình Thuận. Trong trận đấu giữa hai đội Hải Nam Vĩnh Yên Vĩnh Phúc và Bình Thuận tại giải bóng đá hạng Nhì quốc gia, cầu thủ này này đã đấm thẳng vào mặt trọng tài, kết quả bị phạt 25 triệu đồng và cấm thi đấu 2 năm.

Nhân vật thứ hai là ông Trần Tiến Dũng, cổ động viên của CLB Hải Phòng. Với hành vi “phun nước bọt” vào mặt trọng tài, trận Hải Phòng - Bình Định tại vòng 8 V-League 2022 hôm 19-7, ông Dũng bị cấm vào các sân vận động thời hạn 36 tháng. Bản thân CLB Hải Phòng bị phạt 70 triệu đồng và buộc thi đấu 1 trận trên sân nhà không có khán giả.  VFF cho rằng hành vi của ông Dũng và sự thiếu trách nhiệm của sân Lạch Tray là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với hình ảnh của giải đấu và bóng đá Việt Nam”.

Trận Hải Phòng - Sông Lam Nghệ An vòng 9 diễn ra hôm thứ Bảy vừa qua, một nhóm CĐV đất cảng lại mang pháo sáng vào sân Vinh, khiến cho chảo lửa xứ Nghệ lại mịt mù “khói lửa”.  Ban tổ chức sân Vinh đang đối diện mức phạt mà VFF sẽ đưa ra trong tuần tới.

Trong một diễn biến khác, HLV Petrovic của Thanh Hóa cũng đã bị xử phạt 10 triệu đồng do không tham dự họp báo sau trận đấu giữa hai CLB Đông Á Thanh Hóa và Sài Gòn ngày 16-7. HLV này cũng mấy lần phản ứng gay gắt trọng tài, rất may chưa bị kỷ luật. HLV Trần Minh Chiến của CLB Thành phố Hồ Chí Minh đã 3 lần bỏ họp báo sau trận đấu, chắc chắn đang đối diện án phạt.

Tất cả những án phạt trên đã lột tả được những đặc tính xấu của bóng đá Việt Nam: đổ lỗi, cãi cọ, thậm chí sẵn sàng hành hung trọng tài. HLV hành xử thiếu chuyên nghiệp. Nghiêm trọng nhất, một bộ phận khán giả biến sân cỏ thành nơi thỏa mãn các hành vi coi thường luật bóng đá lẫn pháp luật.

2. Dù được coi là mảnh đất cuồng nhiệt bóng đá, nhưng không ít cổ động viên đất Cảng đã có những hành vi cổ vũ phi bóng đá từ rất nhiều năm. Ngay từ giải tứ hùng diễn ra trước mùa bóng khởi tranh, sân Lạch Tray đã bùng nổ pháo sáng, pháo nổ. CLB Hải Phòng đi đá sân nào đều mang theo nỗi ám ảnh cho công tác an ninh sân đó. Trận Hải Phòng gặp Hà Nội mới đây, rất may ban tổ chức sân Hàng Đẫy đã ngăn được nhóm CĐV đưa pháo vào sân, nhưng không thể cản cảnh đốt pháo bên ngoài các tuyến phố. Chưa hết, nhóm CĐV Hải Phòng còn rải tiền âm phủ ra phố, gây hình ảnh hết sức phản cảm.

Để xảy ra chuyện, phạt ban tổ chức sân xem ra chưa đủ mà cần phải có chế tài  nghiêm minh với các đối tượng tàng trữ, sử dụng pháo sáng. Bởi, đấy là hành vi vi phạm pháp luật. Không thể chờ gây hậu quả rồi mới mạnh tay, như vụ CĐV Nam Định bắn pháo sáng khiến 1 CĐV nữ bị thương nặng ở mùa giải 2019, trong trận Nam Định - Hà Nội. Lần đó, 3 đối tượng đã bị khởi tố, phạt tù.

Những mức án như cấm các đối tượng vi phạm đến sân cũng khó khả thi. Vé xem bóng đá tại Việt Nam hầu hết không mang tính định danh. Kể cả các trận đấu của đội tuyển quốc gia tại các giải quốc tế, người mua dù cần đăng ký bằng số CMND hay CCCD nhưng vẫn có thể dễ dàng được sang tay, đổi chủ. Hiện nay, các SVĐ cũng hiếm khi nào thực hiện việc kiểm tra giấy tờ cá nhân của các khán giả đến theo dõi trận đấu. Đấy là chưa kể những cuộc khẩu chiến trên mạng, dân ta cũng nhiều lần “nổi tiếng thế giới”.

Đã 22 năm bóng đá Việt Nam đi lên chuyên nghiệp, để văn hóa cổ vũ bóng đá cũng như sự chấp hành luật chơi của các CLB được cải thiện, trước hết những chủ thể tham gia hoạt động bóng đá phải thể hiện được tính chuyên nghiệp. Mặt khác, các CLB cần tương tác nhiều hơn với CĐV để cùng phát triển hình ảnh chung của đội bóng. Cuối cùng, ban kỷ luật cùng pháp luật phải nặng tay hơn với các hành vi vi phạm pháp luật mang danh cổ vũ bóng đá.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.