Thể thao
Các đội tuyển trẻ SHB Đà Nẵng đối mặt nhiều khó khăn
Thiếu kinh phí, U17 SHB Đà Nẵng xin rút khỏi vòng chung kết U17 toàn quốc 2022. Không những thế, các đội tuyển trẻ SHB Đà Nẵng tạm dừng kế hoạch tập huấn, thi đấu giao hữu. Đây là thực trạng buồn của bóng đá trẻ Đà Nẵng, ảnh hưởng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, đưa bóng đá thành phố trở lại vị thế vốn có.
Các đội tuyển trẻ SHB Đà Nẵng đối mặt nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí duy trì hoạt động. Ảnh: P.N |
Theo tìm hiểu, năm 2016, thành phố chung tay cùng Ngân hàng SHB xây dựng, phát triển CLB Bóng đá SHB Đà Nẵng. Cụ thể, thành phố hỗ trợ công tác đào tạo bóng đá trẻ của CLB mỗi năm 20 tỷ đồng và bắt đầu thực hiện từ năm 2017.
Tuy nhiên, do vướng mắc trong quá trình thực hiện, năm 2021, nguồn hỗ trợ từ thành phố dừng hẳn cho đến nay. Qua nhiều lần đề nghị từ Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng, UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất phương án để chi ngân sách hỗ trợ đào tạo bóng đá trẻ phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, gần 2 năm qua, các ban, ngành liên quan chưa thể thống nhất phương án giải quyết dứt điểm để chi nguồn hỗ trợ này cho bóng đá trẻ. Điều này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thu chi tài chính của CLB. Năm 2021, CLB SHB Đà Nẵng xin nhà tài trợ Ngân hàng SHB cấp bù gần 20 tỷ đồng cho phần thiếu hụt do không có nguồn tiền hỗ trợ đào tạo trẻ.
Năm 2022, theo kế hoạch tài chính của CLB SHB Đà Nẵng, nguồn thu chủ yếu từ nguồn tài trợ của Ngân hàng SHB 60 tỷ đồng; thu từ nguồn hỗ trợ của thành phố 20 tỷ đồng và một số nguồn thu khác (quảng cáo, tài trợ…) để bảo đảm chi cho hoạt động CLB.
Đến ngày 31-7, Ngân hàng SHB tài trợ đủ số tiền 60 tỷ đồng, trong khi đó nguồn hỗ trợ cho đào tạo trẻ của thành phố chưa được giải ngân. Do đó, kinh phí hoạt động của CLB hiện gặp nhiều khó khăn. Nhà tài trợ Ngân hàng SHB đề nghị Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng kiến nghị thành phố giải ngân kinh phí đào tạo trẻ, mặt khác đề nghị tìm kiếm thêm nguồn tài trợ để có kinh phí hoạt động.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng có văn bản kiến nghị thành phố hỗ trợ nguồn kinh phí đào tạo trẻ. Tuy nhiên, đến nay chưa được giải quyết. Để duy trì hoạt động của CLB, công ty cắt giảm một số hoạt động để ưu tiên kinh phí cho kế hoạch thi đấu của đội 1 SHB Đà Nẵng tại giải vô địch quốc gia 2022 và tiếp tục chờ đợi giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ từ thành phố.
Theo ông Bùi Xuân Hòa, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thể thao SHB Đà Nẵng, mỗi năm đội 1 và các đội tuyển trẻ SHB Đà Nẵng có khoản kinh phí cụ thể, nên không thể lấy kinh phí đội 1 chi cho đội trẻ. Vì các đội trẻ sử dụng hết kinh phí của nhà tài trợ nên một số nội dung, hoạt động phải cắt giảm, trong đó có việc rút khỏi vòng chung kết U17 toàn quốc 2022. Ngoài ra, SHB Đà Nẵng không tham gia giải U9 toàn quốc 2022; có thể không tham gia giải U21 vào cuối năm nếu không được giải ngân nguồn kinh phí; tạm dừng các kế hoạch tập huấn, thi đấu giao hữu các tuyến trẻ trong năm 2022…
Theo ban huấn luyện U17 SHB Đà Nẵng, việc rút khỏi vòng chung kết U17 toàn quốc 2022 gây ảnh hưởng đến tâm lý các cầu thủ trẻ. Ban huấn luyện và các cầu thủ nỗ lực tập luyện, thi đấu tốt tại vòng loại để giành quyền tham dự vòng chung kết. Tuy nhiên, trước khó khăn về kinh phí, mọi công việc đành gác lại. Không tham dự vòng chung kết, các cầu thủ U17 SHB Đà Nẵng tạm dừng tập luyện và tập trung trở lại vào ngày 4-9.
Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, việc không tham dự vòng chung kết U17 toàn quốc là thiệt thòi cho các cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, sở không thể can thiệp được. Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng là một đơn vị xã hội hóa, nên không có cách nào để cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp.
Trước đây, thành phố có chi hỗ trợ cho công tác đào trẻ SHB Đà Nẵng, nhưng hiện tạm dừng vì phụ thuộc nguyên tắc quản lý tài chính Nhà nước, thuộc về luật ngân sách. Nếu thiếu kinh phí hoạt động, Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng có thể kêu gọi thêm các nguồn tài trợ. Trường hợp không đủ kinh phí duy trì hoạt động, công ty trả lại các đội tuyển trẻ, thành phố sẽ tiếp nhận. Lúc này, ngân sách Nhà nước chi hỗ trợ công tác đào tạo bóng đá trẻ như các môn thể thao khác thuộc đội tuyển thành phố.
Để nâng cao chất lượng và đưa bóng đá Đà Nẵng trở lại vị thế vốn có, công tác đào tạo trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Việc không được dự các giải quốc gia để giao lưu, cọ xát, học hỏi kinh nghiệm làm chậm tiến độ phát triển của cầu thủ, ảnh hưởng lớn tới bóng đá thành phố. Vì thế, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, tìm tiếng nói chung giữa thành phố và nhà tài trợ trong giai đoạn khó khăn này.
PHI NÔNG