Thể thao
Bóng đá Việt Nam có vượt Thái Lan?
Với việc liên tiếp đạt được những thành công trong thời gian qua, nhiều người đang đặt ra câu hỏi: Liệu đẳng cấp bóng đá Việt Nam đã vượt qua bóng đá Thái Lan?
U17 Việt Nam (bên phải) vừa thắng U17 Thái Lan với tỷ số 3-0 tại vòng loại Giải U17 châu Á. Ảnh: M.M |
Trong lần chạm trán gần đây nhất ở vòng loại Giải U17 châu Á diễn ra tại Phú Thọ, U17 Việt Nam thắng U17 Thái Lan 3-0. Kết quả quá dễ dàng khiến HLV đối phương phải thừa nhận, bóng đá Thái Lan đang gặp vấn đề trong việc tìm kiếm tài năng trẻ. Người hâm mộ bóng đá Thái Lan rất lo lắng dù đội tuyển U17 của họ vẫn giành vé dự VCK U17 châu Á 2023 với tư cách một trong 6 đội nhì bảng xuất sắc nhất bảng F. Trong khi đó, tờ báo thể thao nổi tiếng xứ Chùa vàng Siam Sport bình luận: “Chúng ta đã quen với việc để thua các đội bóng Việt Nam”.
Theo thống kê, 17 lần đối đầu trong suốt 5 năm qua, bóng đá trẻ Thái Lan vẫn chưa thể đánh bại các đội tuyển trẻ Việt Nam. Lần gần nhất các cầu thủ trẻ xứ Chùa vàng giành chiến thắng là tại SEA Games 2017. Kể từ đó, các lứa U16, U17, U19, U23 của Thái Lan không thể đánh bại bóng đá trẻ Việt Nam trên mọi đấu trường như U23 M150-Cup, U15 Đông Nam Á, U18 Đông Nam Á, SEA Games... Chỉ tính riêng trong năm 2022, bóng đá trẻ Thái Lan để thua Việt Nam tới 6 lần. Đây là kỷ lục đáng quên của một trong những đất nước có nền bóng đá phát triển bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Việc bóng đá trẻ Việt Nam liên tiếp gặt hái thành công cho thấy sự tiến bộ vượt bậc về đẳng cấp. Ngôi á quân VCK U23 châu Á 2018 cùng hai chức vô địch SEA Games 2019 và 2022 cũng thể hiện biểu đồ phát triển ổn định. Trong lịch sử, chưa bao giờ bóng đá trẻ Việt Nam được quan tâm, chăm sóc kỹ như 5 năm qua. Hàng loạt trung tâm đào tạo trẻ, cả Nhà nước lẫn tư nhân mọc lên. Đa số sử dụng công nghệ tiên tiến, trong đó coi trọng việc dạy văn hóa, ý thức bóng đá nhà nghề cho cầu thủ. Từ đó, hình thành nên nhiều lứa cầu thủ có tính chuyên nghiệp cao. Họ được truyền cảm hứng từ các đàn anh đi trước, không còn tâm lý sợ hãi khi đụng độ các đội tuyển Thái Lan. Dĩ nhiên, có được yếu tố đó dựa trên nền tảng trình độ ngang ngửa và nhỉnh hơn ở một số thời điểm.
Tuy nhiên, một nền bóng đá không chỉ dựa vào mỗi hệ thống trẻ. Đội tuyển quốc gia, U23 quốc gia cùng giải chuyên nghiệp là bệ phóng cơ bản. Khi đội tuyển quốc gia chưa hết say sưa với chiến tích lọt đến vòng 3 vòng loại World Cup 2022 thì đã để Thái Lan loại ở bán kết AFF Cup 2021. Giới chuyên môn đánh giá, ngôi vô địch AFF Cup 2021 của Thái Lan là dấu hiệu trỗi dậy của nền bóng đá xứ Chùa vàng. Đồng thời, là cảnh báo cho đội tuyển Việt Nam cùng HLV Park Hang-seo rằng AFF Cup cuối năm nay không dễ dàng thành công.
Giải chuyên nghiệp Thái Lan (Thai-League) được mọi người công nhận hiện vẫn đứng đầu Đông Nam Á về mọi mặt: khán giả, khai thác tài trợ, chất lượng chuyên môn. Trong khi, V-League vẫn đang chật vật tiến lên chuyên nghiệp dù sắp trải qua 22 mùa. Hàng loạt cầu thủ và HLV Thái Lan đã sang chơi V-League, góp phần tăng tính hấp dẫn cho sân cỏ Việt Nam. Chúng ta chỉ mới có thủ môn Văn Lâm chơi ở Thai-League nhưng không thành công.
Với hai đội tuyển nam và nữ futsal, hiện Thái Lan vẫn ở một trình độ cao hơn chúng ta, khi họ giành hai tấm HCV ở SEA Games 31. Trận chung kết Giải bóng đá nữ Đông Nam Á (AFF Cup 2022) cũng không có đội tuyển Việt Nam. Thay vào đó là nữ Thái Lan và Philippines, đây là tín hiệu quan trọng cho tương lai thầy trò HLV Mai Đức Chung.
Như vậy, với 9 lần vô địch SEA Games và 6 lần vô địch AFF Cup, bóng đá Thái Lan vẫn rất mạnh, giàu tính truyền thống. Trong bóng đá, đẳng cấp không dễ mất đi. Dù thế, biểu đồ phát triển của nền bóng đá Thái Lan đang bị đứt gãy, tạo điều kiện cho bóng đá Việt Nam và nhiều nước trong khu vực rút ngắn khoảng cách, thậm chí bứt lên nếu có một chiến lược phát triển bài bản.
Bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, trước khi nghĩ đến việc vượt qua nền bóng đá Thái Lan.
MỘC MIÊN