Chuyện chuyên nghiệp ở V-League

.

Bước sang tuổi 23, dù ban tổ chức nỗ lực thay đổi nhằm phát triển theo xu hướng chung của bóng đá thế giới nhưng để V-League thật sự chuyên nghiệp vẫn còn nhiều việc phải làm. Tâm điểm những ngày qua khiến hình ảnh giải vô địch quốc gia bị ảnh hưởng là chuyện Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đề cập đến khả năng bỏ giải khi còn vài ngày nữa trái bóng bắt đầu lăn.

Hoàng Anh Gia Lai bỏ ngỏ khả năng dự V-League 2023.  Ảnh: P.N
Hoàng Anh Gia Lai bỏ ngỏ khả năng dự V-League 2023. Ảnh: P.N

Xung đột quyền lợi nhà tài trợ

Việc bắt đầu từ xung đột quyền lợi nhà tài trợ của HAGL và Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). HAGL công bố hợp đồng tài trợ từ một nhãn hàng nước tăng lực. Sau đó, VPF yêu cầu đội bóng phố núi không sử dụng hình ảnh quảng cáo cho nhà tài trợ mới. Lý do, nhà tài trợ cho HAGL là nhãn hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính của V-League 2023. Sau những buổi làm việc không đi đến hồi kết, HAGL gửi công văn cho VPF về việc có thể không tham dự giải đấu. Nguyên nhân bởi đội bóng không thực hiện được việc trả quyền lợi cho nhà tài trợ và thiếu kinh phí hoạt động.

Câu chuyện giữa HAGL và VPF làm xôn xao dư luận với quan điểm trái chiều. Thực tế, VPF có cơ sở yêu cầu HAGL không sử dụng hình ảnh nhà tài trợ mới. Trước đó, tháng 2-2022, VPF công bố nhà tài trợ chính của V-League với bản hợp đồng 3 năm từ 2022 đến 2024. Quyền lợi của nhà tài trợ chính là được quảng bá độc quyền trong các hoạt động liên quan đến giải. Các CLB không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng cạnh tranh cùng nhà tài trợ chính.

Với quy định trên, HAGL vi phạm. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra có nên độc quyền hay không? Tính từ năm 2012 đến nay, có 3 mùa giải (từ 2015 đến 2017) nhà tài trợ không độc quyền về quảng cáo. Điều này đồng nghĩa, VPF và đối tác tài trợ có thể thương thảo về chuyện độc quyền trước khi đặt bút ký kết. Một khi đồng ý tài trợ độc quyền, lợi ích VPF hưởng cao hơn nhưng điều này hạn chế khả năng khai thác tài trợ của các đội bóng.

Nhìn ra thế giới, đối tác của giải Ngoại hạng Anh là Barclays - một ngân hàng toàn cầu đa quốc gia của Anh. Ngân hàng này không cấm Liverpool hợp tác với Standard Chartered - cũng là một ngân hàng đa quốc gia khác. Barclays thậm chí xuất hiện từ năm 2001, khi ký hợp đồng tài trợ 3 năm và đến năm 2013 thì thiết lập quan hệ đối tác với Ngoại hạng Anh. Liverpool hợp tác với Standard Chartered từ năm 2010 và đến tháng 7 năm ngoái, họ ký tiếp 7 năm. Barclays không ý kiến gì.

Cần tiếng nói chung

Theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nếu HAGL bỏ giải sẽ bị đánh tụt xuống hạng ba và nộp phạt 300 triệu đồng. Việc bỏ giải không chỉ thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp mà còn cho thấy sự sụp đổ của một thương hiệu bóng đá. HAGL là đội bóng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Bầu Đức là người có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Thế nên, đó là một bi kịch nếu sự việc đi đến hồi kết xấu nhất.

Chưa dừng lại, nếu HAGL bỏ giải, hệ lụy còn lớn hơn với bóng đá Việt Nam. Đây là mùa giải V-League bước sang một trang mới. Không chỉ từ việc bán được bản quyền truyền hình với giá cao mà còn thu hút những nhà tài trợ tầm cỡ. Ban tổ chức cũng nỗ lực điều chỉnh để giải đấu phù hợp với sự phát triển chung của bóng đá thế giới. Vì thế, một khi có đội bỏ giải, lịch thi đấu sẽ thay đổi, sức hút, uy tín của giải cũng giảm đi.

Sau đại hội VFF khóa 9, bóng đá Việt Nam đặt ra những chiến lược phát triển vươn tầm. Tuy nhiên, mọi việc cần bắt đầu từ chân đế. Giải vô địch quốc gia có chuyên nghiệp thì đội tuyển quốc gia mới mạnh. Câu chuyện của HAGL bây giờ không còn là chuyện riêng của một CLB mà là câu chuyện chung trong nỗ lực chuyên nghiệp hóa của bóng đá Việt Nam. Bất kể CLB nào rồi cũng rơi vào thế khó như đội chủ sân Pleiku. Hơn lúc nào hết, vai trò của những nhà quản lý bóng đá cần được phát huy. Các bên liên quan cũng cần hỗ trợ nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm tìm tiếng nói chung để V-League 2023 diễn ra suôn sẻ, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.