Thể thao

Phía sau khoảng lặng...

09:14, 20/02/2023 (GMT+7)

Sau vòng 4 kết thúc hôm qua, V-League sẽ nghỉ gần 50 ngày để nhường chỗ cho các hoạt động khác. Chẳng có CLB nào hài lòng về quãng nghỉ dài như thế nhưng cũng đành phải cam chịu.

V-League phải ghỉ gần 50 ngày khiến đa số các CLB phản ứng.
V-League phải ghỉ gần 50 ngày khiến đa số các CLB phản ứng.

Khi V-League vẫn là thứ yếu

Năm nào cũng vậy, V-League liên tục bị ngắt quãng để phục vụ các đội tuyển quốc gia. Như mùa bóng năm ngoái, sau khi lăn được 4 vòng, giải chuyên nghiệp nghỉ đến 4 tháng trời. Điều đó đồng nghĩa các CLB phải oằn mình trả thêm các khoản chi phí phát sinh. Về chuyên môn, các HLV phải chỉnh điểm rơi phong độ. Việc quản lý đôi chân cùng cái đầu cầu thủ cũng không phải là chuyện đơn giản.

“Tôi chưa thấy một giải nào trên thế giới tồn tại nghịch lý đó”, HLV Bozidar Bandovic của Hà Nội FC thốt lên như vậy sau trận hòa Đông Á Thanh Hóa 0-0 tại vòng 4 V-League 2023. “Thực sự quãng nghỉ quá dài, sau đây là một tháng rưỡi, sau đó đá 3 trận rồi lại nghỉ 3 tuần. Khi còn làm việc ở Thái Lan, tôi chưa từng gặp một giải đấu có quãng nghỉ dài như thế này”.

Đầu mùa giải, mọi người mừng khi Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tuyên bố lịch thi đấu V-League 2023 sẽ vận hành như giải Ngoại hạng Anh. Điều đó  sẽ giúp cho các CLB Việt Nam, các đội tuyển quốc gia Việt Nam thuận lợi hơn khi tham dự hệ thống thi đấu quốc tế của AFC, FIFA. Hình thức là thế nhưng xét “nội dung”, xem ra chẳng có gì thay đổi so với tiền lệ. Có nghĩa, giải chuyên nghiệp vẫn chưa được chú trọng. Không vô địch SEA Games mới là nghiêm trọng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Ngay khi ra mắt nhiệm kỳ mới, VFF đã đối diện thất bại đầu tiên - để rơi chức vô địch về tay Thái Lan. Do đó, sự thúc bách phải vô địch SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5 tới càng trĩu nặng.

HLV Philippe Troussier “vừa xay lúa vừa bế em”

Có mặt tại Việt Nam ngày 26-2 tới và chính thức ký hợp đồng với  VFF, HLV Philippe Troussier sẽ ngay lập tức bận rộn với các kế hoạch của đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam. Theo đó, đội tuyển U23 quốc gia sẽ được tập huấn kỹ hơn với 4 giai đoạn tập trung trong tháng 3 nhằm chuẩn bị cho SEA Games 32.  Ở giai đoạn 1, đội U23 quốc gia sẽ tập trung tập luyện từ ngày 1 đến ngày 7-3 với quân số tối đa 35 cầu thủ và 5 thủ môn. Giai đoạn 2, đội U23 quốc gia sẽ hội quân cùng thời điểm với đội tuyển quốc gia từ ngày 8 đến 12-3. Quân số sẽ được rút gọn từ danh sách tập trung ở giai đoạn 1 xuống còn 28 cầu thủ và 4 thủ môn.  Giai đoạn tập trung thứ 3 của đội U23 quốc gia bắt đầu từ 12-3 và kết thúc vào ngày 17-3. Cũng giống như đợt tập trung ở giai đoạn 2, lực lượng của đội sẽ rút gọn xuống còn 24 cầu thủ và 3 thủ môn. 

Giai đoạn tập trung thứ 4 cũng sẽ là giai đoạn tập trung cuối cùng trong tháng 3-2023 của đội tuyển U23 quốc gia.  Giai đoạn này kéo dài 12 ngày, từ 18 đến 29-3 với lực lượng các cầu thủ gần như đã được định hình cho SEA Games 32. Riêng đội tuyển quốc gia Việt Nam sẽ hội quân từ ngày 8 đến 12-3 để hướng đến các giải đấu quan trọng trong năm là ASIAD 19 vào tháng 9; vòng loại thứ 2 World Cup 2026 diễn ra trong tháng 10.

Từ lịch trình trên, chúng ta có thể thấy trọng tâm trước mắt mà VFF đang hướng đến là ngôi vô địch SEA Games 32. Việc để một HLV phải gánh vác cả hai đội tuyển quốc gia không phải là phương pháp tối ưu của các nền bóng đá tiên tiến. Chỉ vì U20 tham dự VCK U20 châu Á, tháng 5 đội tuyển U23 mới đá SEA Games, mà VFF cho V-League nghỉ dài lê thê, U23 tập trung thời dài quá dài thì không công bằng cho giải chuyên nghiệp lẫn các CLB. Một đội tuyển đẳng cấp, các cầu thủ chỉ cần tập trung ngắn hạn là có thể thi đấu với phong độ cao. Chúng ta thì khác, liên tục gọi các tuyển thủ lên tập trung dài kỳ, gây rất nhiều thiệt thòi cho họ và CLB.

Phía sau mỗi quãng nghỉ, khoảng lặng, thường lộ ra rất nhiều bất cập mà nền bóng đá đang vấp phải.

MỘC MIÊN

.