Thể thao
Khi Nguyễn Thị Oanh bước ra biển lớn
Việc cô gái vàng của điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Oanh không gây được bất ngờ tại giải vô địch điền kinh châu Á vừa kết thúc hôm qua (16-7) là thông điệp quan trọng với điền kinh nước nhà trong hành trình vươn ra biển lớn.
Giải điền kinh vô địch châu Á 2023 quy tụ những chân chạy mạnh nhất châu lục, được xem là cữ dượt quan trọng cho Oanh cùng đồng đội trước khi bước vào tranh tài tại ASIAD 19, tổ chức ở Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 tới. Tại giải lần này, Nguyễn Thị Oanh tham dự hai cự ly là 3.000m vượt chướng ngại vật và 1.500m nữ. Cô gái Thái Nguyên nhận được nhiều kỳ vọng trong đợt “viễn chinh” này là có cơ sở.
Tại SEA Games 32, cô đã phá vỡ nhiều giới hạn để mang về 4 tấm huy chương Vàng (HCV) cá nhân. Tại ASIAD 2018 ở Indonesia, cô gây bất ngờ lớn khi giành huy chương Đồng (HCĐ) cự ly 3.000m chướng ngại vật, với thời gian 9 phút 43 giây 83. Thành tích này không chỉ giúp Oanh đạt thông số cá nhân tốt nhất mà còn thiết lập kỷ lục quốc gia. Cho đến tận bây giờ, cô vẫn đang cố gắng một lần nữa chạy 3.000m vượt chướng ngại vật dưới 10 phút. Gần nhất, cô giành HCV SEA Games 32 với thông số 10 phút 34 giây 37.
Trên đường chạy 3.000m vượt chướng ngại vật giải vô địch châu Á 2023, Nguyễn Thị Oanh không thể làm nên kỳ tích, khi chỉ về đích ở vị trí thứ 6 với thành tích 10 phút 09 giây 62. Thành tích đó tốt hơn SEA Games 32 nhưng vẫn chỉ đủ tiếp cận vị trí thứ 6 châu Á. Nên nhớ, giải đấu này vẫn còn nhiều tên tuổi lớn không tham dự vì bận tập huấn châu Âu. Trước đó, Nguyễn Thị Oanh dù rất nỗ lực nhưng cô chỉ về đích thứ 5 ở phần thi chung kết nội dung 1.500m nữ với thành tích 4 phút 18 giây 84. Chỉ số đó thua tấm HCV cô gặt được ở SEA Games 32 với 4 phút 16 giây 85.
Tại giải châu Á năm nay, đội tuyển điền kinh Việt Nam cử lực lượng mạnh nhất với 20 vận động viên, là những tuyển thủ trọng điểm ở các nội dung thi đấu và có huy chương tại SEA Games 32. Ngoài Nguyễn Thị Oanh, cự ly ngắn có Ngần Ngọc Nghĩa, Trần Thị Nhi Yến (100m và 200m), Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng, Trần Đình Sơn, Nguyễn Thị Ngọc (400m và tiếp sức), Bùi Thị Nguyên, Huỳnh Thị Mỹ Tiên (100m rào)... Dù thế, thành tích tốt nhất của đoàn chỉ dừng lại ở tấm HCĐ. Tại ASIAD tháng 9 tới, Nguyễn Thị Oanh cũng đăng ký hai cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật và 1.500m nữ, với mục tiêu giành HCV. Với kết quả trên, không khỏi lo cho cô nếu như nhìn vào lăng kính giải vô địch châu Á vừa kết thúc.
Thế mới biết, để tiếp cận thành tích châu lục vẫn còn một quãng đường không hề ngắn với điền kinh Việt Nam.
MỘC MIÊN