Thể thao
Thể thao Việt Nam cần sức bật mới
Năm 2023, Việt Nam dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32 nhưng không thành công tại Asiad 19. Thực trạng này đặt ra bài toán cho ngành chức năng là cần tạo sức bật mới để thể thao thành tích cao Việt Nam phát triển đúng kỳ vọng.
Thể thao Việt Nam cần sức bật mới để nâng cao thành tích tại các giải đấu tầm châu lục và thế giới. TRONG ẢNH: Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Hằng (bên phải) tranh tài tại giải điền kinh châu Á 2023. Ảnh: Asian Athletics Championships |
Thành tích thiếu bền vững
SEA Games 32 diễn ra ở Campuchia là kỳ đại hội thành công của thể thao Việt Nam khi giành 136 huy chương Vàng (HCV), vượt xa các đối thủ Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Tuy nhiên, người hâm mộ không thể vui khi thể thao Việt Nam khép lại một năm với thành tích không tốt tại Asiad 19. Tại giải đấu diễn ra ở Trung Quốc, Việt Nam giành 3 HCV, 5 huy chương Bạc (HCB), 19 huy chương Đồng (HCĐ), xếp thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương. 3 tấm HCV của Việt Nam thuộc về Phạm Quang Huy (bắn súng), đội tuyển cầu mây nữ và đội tuyển kata (karate). Thành tích này giúp đoàn thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu (giành 2 đến 5 HCV), nhưng không thể vui khi nhìn sang các quốc gia Đông Nam Á có bước tiến mạnh ở đấu trường châu lục. Tính ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, chỉ đứng trên Myanmar (1 HCV), Brunei, Lào, Campuchia và Timor Leste (không có HCV).
Không riêng gì kết quả tại hai giải đấu trong năm 2023, thành tích thiếu bền vững của thể Việt Nam cũng thể hiện ở đấu trường Olympic trong những năm gần đây. Cụ thể, tại Olympic London 2012, Việt Nam có 18 vận động viên (VĐV) vượt qua vòng loại, giành 1 HCĐ. Tại Olympic Brazil 2016, có 23 VĐV vượt qua vòng loại, giành 1 HCV, 1 HCB. Tuy nhiên, đến Olympic Tokyo 2020, chỉ có 18 VĐV vượt qua vòng loại, không giành huy chương nào. Trong khi đó, các quốc gia như: Thái Lan, Singapore, Malaysia... có nhiều HCV Olympic.
Cần sức bật mới
Đâu là nguyên nhân khiến thể thao Việt Nam “hụt hơi” ở đấu trường lớn? Theo dõi quá trình phát triển có thể thấy, mấu chốt trong việc cải thiện thành tích của thể thao Việt Nam là nguồn lực và chiến lược đầu tư. Thực tế, mức đầu tư dành cho thể thao thành tích cao của Việt Nam so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore không bằng, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục. Bài toán thiếu trước hụt sau khiến Việt Nam loay hoay co kéo trong tấm chăn chật hẹp. Mục tiêu muốn vươn tầm châu lục và thế giới, nhưng thực lực chỉ đủ đầu tư ở cấp độ khu vực, trong đó có việc chưa quản lý tốt nguồn lực đầu tư được phân bổ.
Trong bối cảnh hiện nay, thể thao Việt Nam không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động các nguồn lực xã hội hóa, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh hơn vào các hoạt động thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao. Ngoài ra, phải quản lý tốt nguồn lực được phân bổ. Một khi nguồn lực đầu tư xứng tầm và được quản lý bài bản thì các giải pháp chuyên môn mới phát huy đầy đủ và khi đó kết quả mới tương xứng.
Trước thực trạng của thể thao Việt Nam, mới đây, Cục Thể dục - Thể thao tổ chức hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030. Hội nghị chỉ rõ bất cập, đưa ra giải pháp và những mục tiêu đáng chú ý tại sân chơi SEA Games, Asiad và Olympic. Theo đó, thể thao Việt Nam giữ vị trí top 3 toàn đoàn, top 2 ở các môn Olympic với đấu trường SEA Games. Với Asiad 20 (Aichi - Nagoya 2026), Việt Nam phấn đấu giành 5 đến 6 HCV, giành 7 đến 8 HCV tại Asiad 21 (Doha 2030). Với đấu trường Olympic 2026, Việt Nam phấn đấu có từ 15 đến 18 VĐV vượt qua vòng loại, ở các môn xe đạp, bắn súng, bơi lội, điền kinh, cử tạ, taekwondo, boxing, đua thuyền, bắn cung, cầu lông... Còn tại Olympic 2028 phấn đấu có 20 VĐV vượt qua vòng loại.
Thực tế, đó là những mục tiêu phù hợp. Tuy nhiên, để cụ thể hóa, thể thao Việt Nam phải quy hoạch, phân nhóm môn thể thao, xác định nội dung thế mạnh có khả năng giành HCV tại Asiad 20 và các kỳ Olympic 2026, 2028. Việt Nam từng giành huy chương Olympic ở môn bắn súng, taekwondo và cử tạ; giành HCV Asiad các môn điền kinh và rowing; giành HCV châu lục và giành suất tham dự Olympic ở các môn xe đạp, bắn cung, bơi... Nếu có chiến lược phù hợp các môn, nội dung trọng điểm, Việt Nam có thể xây dựng lực lượng VĐV mạnh, đủ sức cạnh tranh ở đấu trường Olympic và Asiad.
Tựu trung lại, trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng lớn ở mọi cấp độ, thể thao Việt Nam cần có những giải pháp hữu hiệu và hành động thật sự quyết liệt để tạo nên sức bật mới, đưa thành tích dần tiếp cận tầm châu lục và thế giới.
PHI NÔNG