Y tế - Sức khỏe

Tư vấn sức khỏe

Bệnh động mạch vành

16:47, 07/04/2008 (GMT+7)

* Có thể hạn chế được bệnh động mạch vành nếu bạn muốn

Bệnh động mạch vành là một bệnh mạn tính, xảy ra khi dòng máu chảy qua động mạch vành bị tắc nghẽn. Động mạch vành là động mạch cung cấp cho tim lượng máu giàu oxy. Sự tắc nghẽn này là do một căn bệnh gọi là “xơ vữa động mạch”, đôi khi được gọi là sự rắn lại của động mạch.

Hình ảnh động mạch vành của quả tim. Lòng động mạch vành bị hẹp do sự sơ.

Xơ vữa động mạch tiến triển dần dần, nhiều năm trước khi người có xơ vữa động mạch bị đe dọa bởi vấn đề tim mạch. Đầu tiên, lớp lót bên trong của động mạch (gọi là nội mô) bị thương tổn, gây ra sự tụ tập các tế bào bạch cầu, tạo phản ứng viêm. Điều này lại gây thêm thương tổn cho thành động mạch, theo thời gian, lớp lót bên trong tổn thương lan rộng; các phân tử cholesterol có thể xâm nhập vào thành động mạch. Các tế bào bạch cầu và cholesterol kết hợp với nhau tạo thành bọt lipid.

Trong giai đoạn đầu của xơ vữa động mạch, các vết mỡ này hiện diện trên thành động mạch như là các mảng lắng đọng; về sau, các mảng đó bị vôi hóa hoặc tạo thành một lớp vỏ cứng. Điều này làm giảm tính đàn hồi của mạch máu và gây hẹp động mạch, vì vậy làm giảm số lượng máu lưu thông. Nếu mảng xơ vữa bị bong tróc, một cục máu có thể được tạo thành tại ví trí bong tróc hoặc một mảnh xơ vữa có thể “chu du” qua các động mạch cho đến lúc gây ra sự tắc nghẽn, một cơn đau tim hoặc ngừng tim có thể xảy ra.

Nếu không được điều trị, bệnh động mạch vành thường tiến triển xấu hơn. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành có biểu hiện như đau ngực, mệt mỏi. Biểu hiện này xuất hiện khi quả tim không nhận đủ lượng oxy. Tuy nhiên, khoảng 50% bệnh nhân không có biểu hiện nào cho đến khi cơn đau tim xảy ra.

Chiến lược giúp làm giảm các yếu tố đe dọa bệnh động mạch vành hoặc làm chậm tiến trình nếu thực hiện những điều sau đây: Tìm hiểu tiền sử bệnh tật của gia đình; thực hiện chế độ ăn có lợi cho tim; cải thiện tỷ lệ cholesterol máu; thường xuyên tập thể dục; kiểm soát bệnh đái đường; kiểm soát tăng huyết áp; nỗ lực duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp; tránh stress; bỏ hút thuốc hoặc không tập hút thuốc lá; kiểm soát sự trầm cảm kéo dài.

Các yếu tố đe dọa và nguyên nhân của bệnh động mạch vành bao gồm: Tiền sử gia đình mắc bệnh động mạch vành; cholesterol máu cao; tăng huyết áp không kiểm soát; hút thuốc lá; thiếu tập thể dục thường xuyên; chế độ ăn nhiều mỡ; bệnh béo phì; bệnh đái đường không kiểm soát; stress hoặc trầm cảm kéo dài.

Các yếu tố nguy hiểm khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành bao gồm HIV và tình trạng viêm nhiễm mạn tính như viêm khớp dạng thấp.

Ths.Bs. MAI HỮU PHƯỚC (Theo Your Total Health)

.