Người xưa có câu “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, điều đó chứng tỏ, đôi mắt có vai trò rất quan trọng cho mỗi con người trong mọi hoạt động của cuộc sống. Không may cho những người bị mù lòa vì nhiều lý do khác nhau, phải sống chung với cảnh tối tăm… Và chỉ khi nhận được nguồn sáng từ những người hiến giác mạc, cuộc đời họ mới mở sang một trang khác…
Mắt mù lại sáng
Ông Phạm Văn Cải là một trong số 2 người được ghép giác mạc đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng. |
Cách đây khoảng vài năm, ông Phạm Văn Cải, trú tại đường Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu trong lúc chăm sóc vườn cây cảnh chẳng may bị vật nhọn đâm trúng mắt phải. 3 ngày sau, ông đi bệnh viện khám và được bác sĩ cho biết mắt phải ông bị tổn thương giác mạc và sẽ dẫn đến mù hẳn. Gia đình rất lo vì thị lực con mắt còn lại của ông Cải rất yếu, chỉ nhìn thấy lờ mờ. Ông kể: “Bác sĩ cho tôi biết, muốn chữa được chỉ còn cách thay giác mạc. Nhưng giác mạc là thứ có tiền cũng khó để mua được, phải chờ viện trợ từ nước ngoài gửi về với số lượng rất hạn chế nên phải chờ đợi… Thế là tôi đành sống chung với cảnh một con mắt có thị lực quá kém, một con mắt thì mù hẳn”.
“Những tưởng hết hy vọng, nhưng sau một thời gian nỗ lực để tìm người cho giác mạc, cách đây 4 tháng, tôi nhận thông tin có một số người dân ở tỉnh Ninh Bình hiến tặng giác mạc để mang lại ánh sáng cho những người khác. Tôi liên lạc với bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương và chờ đợi. Cuối cùng, cách đây hai tháng tôi được gọi ra Bệnh viện Mắt Trung ương để chuẩn bị cho ca ghép giác mạc mà tôi là một trong số rất ít người may mắn nhận được”, ông Cải chia sẻ.
Tại Đà Nẵng, ngoài ông Cải còn có một người nữa được ghép giác mạc và đã nhìn thấy được ánh sáng, đó là ông Hoàng Ngọc Chơn. Đây chính là hai người đầu tiên ở Đà Nẵng được ghép giác mạc từ người hiến. Tuy nhiên, số người mù cần được cho giác mạc của thành phố còn khá nhiều, và phụ thuộc vào những tấm lòng tình nguyện của những người hiến tặng trong thời gian tới.
Tại Lễ phát động truyền thông hiến tặng giác mạc tổ chức vào ngày 5-10 vừa qua tại thành phố Đà Nẵng, ông Cải đã đền đáp nghĩa cử của người hiến tặng ông giác mạc bằng việc đăng ký tham gia hiến tặng giác mạc của mình sau khi ông qua đời, để những người không may mắn bị mù mắt được nhìn thấy ánh sáng.
Hãy hiến tặng “món quà ánh sáng”
Được biết, trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, cần khám mắt định kỳ hằng năm. Cứ 5 giây, thế giới có thêm một người bị mù, và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. |
Theo số liệu mới nhất mà Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống mù lòa công bố, hiện cả nước có gần 1 triệu người bị mù và thị lực kém. Trong đó, khoảng 300 ngàn người mù do bệnh lý giác mạc. Điều này cũng đồng nghĩa với gần 300 ngàn gia đình phải mang thêm gánh nặng và khát khao lớn nhất của mỗi người mù là được nhìn thấy ánh sáng, thấy người thân và hòa nhập cộng đồng như bao người bình thường.
Để có được nguồn mô tạng nói chung và nguồn giác mạc nói riêng ghép cho bệnh nhân mù lòa, Quốc hội đã ban hành Luật Hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người, hiến lấy xác để giúp cho ngành Y tế có thêm cơ sở pháp lý ứng dụng kỹ thuật ghép mô trong cơ thể con người. Từ năm 2004, Bệnh viện Mắt Trung ương đã thành lập ngân hàng mắt và đây cũng là ngân hàng mô đầu tiên trên cả nước.
Tuy có ngân hàng mắt với những trang thiết bị hiện đại, nhưng các bác sĩ nhiều lúc vẫn cảm thấy bất lực khi nhìn người bệnh không có giác mạc để thay thế. Vì thế, hàng ngàn người chờ được ghép nhưng từ năm 2004 tới nay, mỗi năm Bệnh viện Mắt Trung ương chỉ thực hiện được khoảng 100 ca ghép giác mạc và phần lớn số giác mạc này có được là do người nước ngoài hiến tặng, thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức Orbis quốc tế.
Các bác sĩ chuyên khoa mắt cho biết, mặc dù đạt nhiều tiến bộ trong phẫu thuật đục thể thủy tinh, nhưng ngành mắt Việt Nam cũng như những người mù đang đối diện nhiều khó khăn, nhất là kinh phí. Bên cạnh đó, công tác truyền thông chưa được quan tâm cũng gây ra những trở ngại, khiến người bệnh không đi mổ mà “chịu cảnh mù lòa” suốt đời. Do vậy, để tạo được nguồn giác mạc phong phú, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã kêu gọi và phát động trên toàn quốc Chiến dịch tuyên truyền hiến tặng giác mạc tình nguyện nhằm mang lại ánh sáng cho người mù. Làm được điều này, không chỉ giảm thiểu số người mù ở nước ta mà còn giảm gánh nặng cho toàn xã hội.
Bài và ảnh: Việt Dũng