Theo kết quả điều tra, sàng lọc thông qua tư vấn miễn phí tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng vừa công bố mới đây cho biết, 8,3% trong tổng số 4.679 người dân tại các quận Thanh Khê, Sơn Trà và Hải Châu cho kết quả dương tính với bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Đây là tỷ lệ cao, cho thấy nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ của người dân thành phố đang tăng lên.
Mắc bệnh, nhưng không biết
Người dân đến tư vấn, xét nghiệm bệnh ĐTĐ tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng. |
Đối với chị Thanh Nhàn (quận Hải Châu), từ 3 năm trở lại đây phát hiện người mệt, cơ thể béo phì, đi đứng khó khăn. Chân của chị xuất hiện những vết sưng to, phù nề. Chị Nhàn cũng không biết mình bị ĐTĐ mà chỉ nghĩ do mình tăng cân quá nhanh. Khi được tư vấn và xét nghiệm, chị mới biết mình mắc bệnh ĐTĐ trong một thời gian dài mà không hay biết.
Bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, không ít người dân thành phố khi đến tư vấn, sàng lọc miễn phí bệnh ĐTĐ đều ngạc nhiên vì lâu nay cơ thể khỏe mạnh, ăn uống, sinh hoạt bình thường như mọi người nhưng sau 1 phút test nhanh, kết quả dương tính với bệnh ĐTĐ. Theo bác sĩ Hóa, bệnh ĐTĐ là một tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính do nhiều nguyên nhân gây nên với đặc trưng nổi bật là tình trạng tăng mạn tính nồng độ đường trong máu, đây là hậu quả của rối loạn bài tiết insulin, hoặc do giảm tác dụng chuyển hóa của insulin hay do sự phối hợp của cả hai yếu tố nói trên. Nếu không đến tư vấn và xét nghiệm thì không biết mình mắc bệnh và không điều trị trong thời gian dài sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm.
Trong hai năm 2009-2010, 18 phường trên địa bàn các quận Hải Châu, Sơn Trà và Thanh Khê của thành phố Đà Nẵng được chọn triển khai thí điểm sàng lọc bệnh ĐTĐ. Theo thống kê, gần 9,6% trong tổng số 1.600 người dân quận Sơn Trà mắc bệnh ĐTĐ, trong khi đó, tỷ lệ này ở quận Thanh Khê là 7,7% trong tổng số 1.523 người. Đây là tỷ lệ khá cao so với tỷ lệ trung bình của cả nước hiện nay khoảng 5 đến 6%.
Nhiều người được tầm soát
Cho đến nay, Dự án quốc gia tầm soát, sàng lọc bệnh nhân ĐTĐ đã được triển khai trên toàn quốc. Đà Nẵng là 1 trong 4 thành phố lớn triển khai sớm nhất chương trình này. Mục tiêu của Dự án là triển khai các phòng tư vấn, hỗ trợ xét nghiệm và tư vấn điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ tại các quận Thanh Khê, Hải Châu và Sơn Trà. Khi đến phòng tư vấn tại địa chỉ 315 Phan Châu Trinh, người dân xác định mắc bệnh sẽ được hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng, phương pháp luyện tập thể dục, nhất là theo dõi đường huyết ổn định để tránh các biến chứng của căn bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Hóa cho biết, người bệnh ĐTĐ hạn chế dùng chất béo, chất đạm và không nên dùng trực tiếp thức ăn có thành phần đường hấp thu nhanh. Bệnh nhân cũng nên bỏ hẳn thói quen uống sữa vào ban đêm, nhưng vẫn có thể uống sữa không đường và sữa dành riêng cho người bị ĐTĐ.
Bệnh nhân tham gia chương trình sẽ được miễn phí tư vấn, cung cấp tài liệu về bệnh ĐTĐ, hướng dẫn điều trị, thử đường huyết, để giúp chẩn đoán chính xác bệnh. Hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi bệnh ĐTĐ, nhưng có thể phòng chống được bằng chế độ ăn uống hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực. Bởi vậy, không chỉ người bệnh mà cả những người bình thường cần thực hành lối sống khỏe mạnh, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng hoạt động thể lực và loại bỏ các thói quen không có lợi cho sức khỏe. Việc khám sàng lọc nhằm phát hiện và điều trị sớm bệnh ĐTĐ là mục tiêu quan trọng cần được đặt ra cho cả cộng đồng.
Bài và ảnh: Diệu Minh