.
Phòng, chống dịch SXH ở quận Sơn Trà:

Tập trung dập dịch ở địa bàn trọng điểm

.
Quận Sơn Trà là một trong ba địa phương của thành phố có số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) cao nhất, với khoảng 800 trường hợp. Do vậy, bên cạnh nỗ lực thu dung điều trị, hạn chế tử vong, địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp dập dịch ở những địa bàn có nhiều bệnh nhân như các phường Thọ Quang, Phước Mỹ, Mân Thái...

Mô tả ảnh.
Nguy cơ nhiễm khuẩn từ một phòng bệnh đông người như thế này là rất lớn.
 
Tập trung xử lý “địa chỉ đen”

Bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận Sơn Trà cho biết, để hạn chế dịch bệnh bùng phát trong thời điểm này, cán bộ Y tế dự phòng lập danh sách những khu vực xuất hiện nhiều ổ muỗi lớn tại các công trình đang xây dựng ở phường Thọ Quang, Nại Hiên Đông, Phước Mỹ, Mân Thái. Trong đó, những “địa chỉ đen” được tập trung phun thuốc diệt muỗi, san lấp các vũng nước ứ đọng, phát quang bụi rậm, thu gom vật liệu phế thải như: tổ 4 phường Phước Mỹ, khu vực những chiếc tàu hư được kéo vào bờ sửa chữa và đọng nước mưa dọc tuyến đường ven biển thuộc hai phường Thọ Quang và Mân Thái, một số giếng nước nhiễm bẩn tại khu vực phường An Hải Tây. Tại đây, Đội Y tế dự phòng vận động bà con thả cá vào các giếng nước để ăn lăng quăng và xử lý nước nhiễm bẩn bằng Cloramine B.

“Một ổ dịch SXH có bán kính muỗi di chuyển khoảng 200 mét, nên chúng tôi vừa xử lý môi trường những khu vực ô nhiễm, muỗi sinh sống nhiều, vừa vận động nhân dân sống gần đó tích cực giám sát lăng quăng sống quanh nhà nhằm giảm thiểu số người mắc bệnh” - bác sĩ Quang chia sẻ. Phương pháp giám sát côn trùng và vận động, tuyên truyền ở quận Sơn Trà cũng có nhiều sáng tạo. Đó là khi giám sát, xử lý môi trường tại một nhà dân, cán bộ dịch tễ khuyến cáo chủ hộ cần phối hợp với những gia đình bên cạnh xử lý muỗi, bởi nếu hàng xóm mình có muỗi thì dù gia đình mình được thu dọn sạch nhưng vẫn bị muỗi cắn, gây bệnh SXH.

Trên thực tế, phương pháp này đã phát huy tác dụng ở một số phường trước đây có nhiều bệnh nhân mắc SXH trong cùng một tổ dân phố. Sau khi thực hiện phương pháp này, ở phường An Hải Đông, khi giám sát ngẫu nhiên 20 hộ gia đình, cán bộ y tế không phát hiện nhà có muỗi và vật chứa lăng quăng trong nhà.

Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Quang thì hạn chế trong công tác phòng dịch ở Sơn Trà là chưa phát động và kêu gọi sự tham gia tích cực của các hội, đoàn thể như thanh niên, phụ nữ tham gia diệt bọ gậy, lăng quăng. Nếu có sự phối hợp của những Chi hội phụ nữ ở các tổ dân phố thì vấn đề thu dọn vệ sinh môi trường trong các khu dân cư sẽ thực hiện triệt để hơn.

Nguy cơ nhiễm khuẩn từ bệnh viện

Từ đầu tháng 9 đến nay, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân, trong đó bệnh nhân mắc SXH đưa vào điều trị nội trú liên tục tăng. Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp, tính từ đầu năm đến nay trung tâm đã thu dung khám và điều trị 1.526 lượt bệnh nhân SXH. Trong số đó có tiếp nhận bệnh nhân ngoài khu vực quận Sơn Trà.

Áp lực quá tải, một giường bệnh có từ hai đến ba bệnh nhân nằm ghép thường xuyên diễn ra ở các khoa Nhi và khoa Nội của trung tâm. Mặc dù các bác sĩ, điều dưỡng tích cực trong việc bố trí, sắp xếp người bệnh, nhắc nhở bệnh nhân và người nhà giữ gìn vệ sinh, tuy vậy việc phải nằm ghép giữa bệnh nhân SXH và các bệnh nhân khác, nhất là tại khoa Nhi sẽ không tránh khỏi nguy cơ nhiễm khuẩn ngay trong bệnh viện.

Bác sĩ Đoàn Văn Thành, Trưởng khoa Nội cho biết, số lượng bệnh nhân hiện nay vẫn chưa giảm nhiều, khiến cho việc thu dung điều trị bệnh nhân SXH gặp khó khăn. Do vậy, rất mong người dân ý thức hơn trong công tác phòng bệnh để giảm áp lực điều trị tại các bệnh viện. Bác sĩ Thành cũng khuyến cáo, trong thời điểm này, khi có dấu hiệu sốt cao, người dân không nên quá hoang mang. Nên uống nước nhiều hơn bình thường và đến các cơ sở điều trị khám, tư vấn, không nhất thiết khi mắc bệnh SXH là phải nhập viện, điều trị nội trú.

Bài và ảnh: Việt Dũng
;
.
.
.
.
.