Giới trẻ có 3 cách phản ứng trước hiện tượng “ăn cơm trước kẻng”. Một là, vẫn chống lại lối sống này, coi đây là hành động không thể chấp nhận dưới bất kỳ lý do nào. Hai là, không đặt nặng chuyện “ăn cơm” trước hay sau “kẻng”, mà vấn đề là họ cảm thấy mình tự chủ và trách nhiệm trước hành động của bản thân. Ba là, vô tư “ăn cơm” khi “kẻng” còn lâu mới đánh. Họ tự cho mình là những người trẻ dám nghĩ, dám làm, còn có dám chịu hay không thì chưa khẳng định.
Gần đây, dư luận xã hội ồn ào lên tiếng về lối sống phóng khoáng với đủ kiểu “ăn cơm” của giới trẻ. Trong đó, đối tượng chính bị chỉ trích là nhóm thứ ba này. Một clip phòng the bị quay lén hay do người trong cuộc tự nguyện làm diễn viên kiêm đạo diễn cũng lập tức bị cộng đồng mạng “ném đá”. Tựu trung các phản hồi khi xem những hình ảnh này là chê trách và lên án. Phía nhà trường và gia đình có mối liên quan đến nạn nhân của vụ tung clip dĩ nhiên cũng trở thành tâm điểm hứng chịu mọi lời đánh giá không hay.
Song, dù có bị “ném đá” tơi bời cỡ nào thì chuyện “ăn cơm trước kẻng” cũng không vì thế giảm xuống. Ngược lại, bây giờ, hiện tượng này phổ biến đến mức nếu cách đây 5 năm, một nhân vật của công chúng bị lộ cảnh phòng the khiến cả xã hội phản ứng. Người đó thậm chí khó có đường tiến thân, thì mới hôm qua thấy em X. lộ cảnh “nóng”, ngày mai trên mạng lại rầm rộ chuyện em Y… Cứ thế, chuyện này chưa tạm lắng lại bị chìm bởi chuyện khác nóng bỏng không kém.
Không chỉ trên thế giới ảo sôi động hình ảnh học trò “yêu” nhau, mà trong đời thực, ở các khu trọ dành cho sinh viên, công nhân, có mấy nơi “trong sạch” đến độ nguyên một khu chừng 10 phòng mà tuyệt nhiên không hề tồn tại vấn đề “sống chung”. Một báo cáo của Bộ Y tế vừa cho biết, có 44% thanh niên và vị thành niên ở Việt Nam chấp nhận quan hệ trước hôn nhân. Tỷ lệ này ở nam giới cao hơn nữ giới.
Vậy là, cái sự “yêu” của một bộ phận không nhỏ người trẻ bây giờ là thế! Nói thì nghe hơi phản cảm, nhưng dù gì cũng không thể chối bỏ thực tế này. Tuy nhiên, sự giáo dục của xã hội, cụ thể ở đây là nhà trường, gia đình, người có trách nhiệm, nhà chuyên môn hay cơ quan chức năng dường như vẫn còn vững chắc một niềm tin rằng cứ khuyên: “Các con hãy giữ một tình yêu trong sáng”, thì bọn trẻ sẽ nghe theo và chịu “ăn cơm” đúng giờ.
Trong một chương trình tư vấn về vấn đề tâm sinh lý tuổi mới lớn gần đây trên truyền hình, khi MC nhờ chuyên gia đưa ra lời khuyên cho các bạn mới lớn, người này đã nói rằng: “Các bạn trẻ nên giữ một tình bạn, tình yêu đúng với lứa tuổi của mình. Việc quan trọng nhất bây giờ là học tập”. Các bậc phụ huynh nếu nghe câu này chắc gục đầu lia lịa vì tâm đắc. Nhưng liệu rằng những 9X, 10X có thấy thuyết phục không, hay có cảm giác nó đã “mòn”?
Có lẽ, đã đến lúc người lớn cần nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống của giới trẻ để có những chia sẻ cụ thể, cởi mở và sòng phẳng về vấn đề này, thay vì những lời khuyến cáo chung chung, vòng vo hay đổ xô lên án. Những bạn trẻ dám “ăn cơm trước kẻng” nhưng chưa dám chịu trách nhiệm và thậm chí chưa đủ sức chịu trách nhiệm có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính có lẽ là từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật.
Nói hãy giáo dục người trẻ một cách sòng phẳng, tức là ngoài lời khuyên, cần cụ thể hóa hậu quả từ hành động thiếu hiểu biết của họ bằng các điều luật. Luật Hình sự có quy định mức phạt lên đến 15 năm tù đối với người cố tình dùng cảnh chăn gối của mình “phổ biến” cho người khác xem, hay nói cách khác là “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”. Bên cạnh đó, những người “hồn nhiên” phát tán clip để “chia vui” với cộng đồng có thể bị truy tố tội danh khác như làm nhục người khác, đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính…
Trong chương trình hộp thư truyền hình gần đây, một bà mẹ hỏi: cô bé hàng xóm chưa đủ 16 tuổi, nhưng tự nguyện “yêu” con trai bà (đã trưởng thành), giờ gia đình bà hứa sẽ cưới xin đàng hoàng, liệu pháp luật có tha không? Phía nhà đài trả lời, có hứa kiểu gì thì theo luật con trai bà cũng vào tù vì tội giao cấu với trẻ em. Từ câu chuyện này có thể thấy người lớn còn lơ mơ chuyện “yêu” theo luật thì nói gì đến những bạn trẻ ăn chưa no, lo chưa tới.
“Ném đá”, “tẩy chay” cũng là một cách “răn” người trẻ, nhưng để hướng họ thành những con người có trách nhiệm với hành động “ăn cơm trước kẻng” của mình, thì sự lên án hay khuyên bảo giáo điều phải chăng là chưa đủ hiệu quả?
THU HOA