.

Ổ dịch sau những trận mưa

.

Những trận mưa lớn liên tiếp nhiều ngày qua dẫn đến tình trạng ứ đọng nước tại các xóm trọ, khu dân cư trên địa bàn quận Liên Chiểu, khiến nguy cơ xảy ra dịch bệnh tại đây rất lớn.

Mương nước không chảy với cỏ phủ kín, cùng nước đọng sau mưa tồn tại khắp nơi là môi trường sinh muỗi (ảnh chụp tại kiệt 2 Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên  Chiểu).      Ảnh: THU HOA
Mương nước không chảy với cỏ phủ kín, cùng nước đọng sau mưa tồn tại khắp nơi là môi trường sinh muỗi (ảnh chụp tại kiệt 2 Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Ảnh: THU HOA

Người dân khu vực này cho biết, bình thường muỗi vốn nhiều vì nhà cửa các xóm trọ đều ẩm thấp, xung quanh lại có nhiều đất trống cỏ mọc um tùm, cộng với kênh mương, ao tù. Vào mùa mưa, muỗi càng hoành hành cả ban ngày lẫn ban đêm.

Sống chung với nước đọng và muỗi

Len vào các xóm trọ trên địa bàn quận Liên Chiểu vào buổi sáng sau đêm mưa tầm tã, điều dễ nhận thấy là đâu đâu cũng có nước đọng. Các vật dụng như chậu cây (không trồng cây), hộp xốp và nhiều loại rác rưởi vương vãi khắp nơi như: vỏ sữa chua, lon bia, v.v... vô tình trở thành vật chứa nước cho muỗi sinh sôi, phát triển.

Để minh chứng cho việc không gì dễ hơn tìm… ổ loăng quăng, ông Phạm Phú Điềm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu- chỉ lên mái nhà một hộ dân gần Bệnh viện Liên Chiểu và cho biết, mái nhà không có lỗ thoát nước, chỉ cần mưa đọng lại một vài ngày thì nơi đây sẽ có muỗi sốt xuất huyết (SXH). Một số hộ còn dùng thùng xốp đựng đồ nặng đè lên mái nhà phòng gió mạnh bay tôn, nhưng không hề biết cái thùng này cũng có thể là “bồn” chứa nước cho muỗi sinh sản.

Ông Điềm cho biết thêm, muỗi gây SXH là loại “sang”, chỉ ở những nơi nước đọng nhưng sạch, trong. Vì vậy, những thứ chứa nước thoáng qua sau vài cơn mưa tưởng vô hại, nhưng thực tế đấy chính là môi trường thuận lợi của muỗi.

Tại tổ 75, phường Hòa Khánh Nam, chuyện muỗi sau mưa còn là nỗi ám ảnh khác của người dân khi nơi đây lâu nay tồn tại một mương nước, đồng thời là cống thoát nước chung duy nhất liên thông 40 tổ trong khu vực. Nói là mương nước và cống thoát nước, nhưng nước chẳng mấy khi chảy hay thoát được vì cây cỏ mọc phủ kín mặt nước và đầu cống chảy ra quá nhỏ. Hễ nhắc đến mương nước, muỗi và giải pháp khắc phục thì bà con nơi đây thốt lên: “Ngán quá!”.

Gia đình chị Lê Thị Mễ (1981) cũng khổ sở vì muỗi, nhất là nhà chị có trẻ nhỏ. Chị Mễ kể, những ngày mưa này, tối nào cả nhà cũng phải ra ngoài rồi đóng cửa xịt thuốc diệt muỗi, sau đó mới quay về bắt đầu việc học hành, nghỉ ngơi. Dù đã dùng hóa chất nhưng chị còn phải dùng thêm nhang diệt muỗi để kè kè bên chân bàn học của các con.

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Thống kê của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cho biết, tính đến ngày 21-10, toàn quận có 29 ca SXH ở 5/5 phường (cùng kỳ năm ngoái là 183 ca). Số ca mắc tại thời điểm này ít hơn so với năm ngoái vì mùa mưa năm trước bắt đầu sớm và kéo dài hơn.

Năm nay, mùa mưa chính thức bắt đầu cũng là thời điểm “rục rịch” tăng các ca bệnh SXH. Về giải pháp phòng ngừa bệnh SXH, Đội Y tế dự phòng quận Liên Chiểu đã thực hiện tuyên truyền, cảnh giác cho người dân; đồng thời trong trường hợp cùng một tổ dân phố, hoặc trong bán kính 200m, nếu trong một tuần có 2 ca SXH trở lên, khu vực đó sẽ được phun thuốc diệt muỗi.

“Phun thuốc hay diệt muỗi cũng chỉ là giải pháp tình thế. Quan trọng hơn vẫn là diệt loăng quăng tận gốc. Chúng tôi không thể đủ sức đến từng nhà dân xem chỗ nào có loăng quăng mà diệt, chỉ vận động người dân cùng nhau làm sạch trong nhà lẫn sạch kênh mương hay khu vực có nước đọng quanh nhà”, ông Phạm Phú Điềm nói.

Về mương nước được người dân phản ánh như trên, ngành y tế Liên Chiểu cũng như Trung tâm Y tế dự phòng đều cho rằng, nước tù đọng là môi trường sinh muỗi (chưa cần biết là muỗi SXH hay không). Muốn hạn chế nguy cơ dịch SXH, phải làm sạch, thông thoáng môi trường sống. Tuy nhiên, điều này lại nằm ngoài chức năng của ngành mà thuộc các cơ quan quản lý môi trường.  

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, cho biết hằng năm, địa bàn Liên Chiểu thường là điểm nóng về dịch bệnh SXH. Việc diệt muỗi, phun thuốc cũng chỉ là biện pháp “chạy theo” diễn biến của dịch bệnh chứ không có tác dụng xử lý nguồn gốc của dịch. Môi trường còn ẩm thấp và nước đọng, nguy cơ mắc bệnh dịch còn cao.

B.AN - T.HOA

;
.
.
.
.
.
.