Y tế - Sức khỏe
Còn 30% dân số chưa có bảo hiểm y tế
Việt Nam hiện có 70,8% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Như vậy, còn khoảng 30% dân số chưa có thẻ BHYT. Điều đáng nói, những người trong nhóm này hầu hết ít có khả năng tự bỏ tiền mua BHYT.
Đó là một trong những nội dung được đề cập tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổng kết công tác y tế năm 2014 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 diễn ra sáng 21-1.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; điểm cầu Đà Nẵng có sự tham dự của Giám đốc Sở Y tế Phạm Hùng Chiến cùng lãnh đạo Bảo hiểm xã hội thành phố và các bệnh viện trên địa bàn.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong 20 chỉ tiêu y tế cơ bản, toàn ngành thực hiện đạt hầu hết các kế hoạch đề ra, ngoại trừ chỉ tiêu tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và tỷ lệ dân số tham gia BHYT là không đạt. Theo kế hoạch Chính phủ giao trong năm 2014, cả nước phải có 73% dân số tham gia BHYT.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện chỉ ở mức 70,8%. Đây là “bài toán” không chỉ của ngành, mà của các tỉnh, thành phố trên cả nước, khi đối tượng chưa có thẻ chủ yếu là lao động ở khu vực phi chính thức, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng BHYT toàn dân là vấn đề nòng cốt trong công tác an sinh xã hội. Đối với người có mức sống trung bình, chỉ qua một trận ốm có thể rơi vào tình cảnh cùng cực.
Do đó, tấm thẻ BHYT như “tấm phao” giúp người khó khăn vượt qua hoàn cảnh “đuối” về kinh tế. Tuy nhiên, đáng lo là hiện nay cả nước mới có gần 70 triệu người tham gia BHYT, trong đó có 14 triệu người nghèo, 2 triệu người cận nghèo và người dân tộc thiểu số.
Còn 30% dân số chưa có thẻ BHYT và 70% trong số này là người cận nghèo. Trong hàng chục ngàn tỷ đồng mua BHYT trên cả nước mỗi năm, gần 45% do Nhà nước bỏ ra mua cho các đối tượng, trên 50% do người dân tự tham gia. Với đối tượng cận nghèo, việc mua BHYT được Nhà nước và nhân dân cùng chi trả theo tỷ lệ 70-30 (Nhà nước lo 70%).
Dẫu vậy, rất nhiều hộ vẫn không thể bỏ ra số tiền còn lại để mua BHYT. “Đây không chỉ là thách thức mà là vấn đề khó nhất trong việc tiến tới BHYT toàn dân”, bà Trương Thị Mai nói.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, giải pháp tăng số người tham gia BHYT là thực hiện các chương trình kêu gọi doanh nghiệp, chính quyền, xã hội cùng chung tay hỗ trợ người khó khăn mua BHYT để đạt tỷ lệ bao phủ 75% trong năm nay.
Về tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có kết quả nổi bật trên cả nước với mức 92,5% dân số tham gia. Tính đến cuối năm ngoái, toàn thành phố có trên 925.000 người/hơn 1 triệu dân tham gia BHYT.
Ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, cho biết chất lượng dịch vụ cũng tăng theo số lượng người tham gia BHYT. Cụ thể, các cơ sở y tế phát triển nhiều kỹ thuật mới; bệnh viện hạn chế nằm ghép, trên một vạn dân có 14 bác sĩ và 60 giường bệnh; không để xảy ra tử vong mẹ, 92% trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia (2012-2020)…
THU HOA