Y tế - Sức khỏe
Giám sát đường bộ: Bó tay!
ĐNĐT - "Hoạt động giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu hàng không và đường thủy chặt chẽ chừng nào, khâu giám sát ở đường bộ lỏng lẻo chừng đó", lãnh đạo Sở Y tế thừa nhận.
Khách du lịch đi đường bộ vào Đà Nẵng |
Khó quản đường bộ
Không riêng dịch cúm MERS-CoV, với tất cả các đợt dịch bệnh lớn, nguy hiểm khác, khâu giám sát đường bộ luôn khiến ngành y tế đau đầu.
Ngày 5-6, trao đổi với PV Báo Đà Nẵng, lãnh đạo Sở Y tế thừa nhận, việc kiểm dịch đường bộ là khó khăn lớn nhất. Từ trước đến nay, Trung tâm Y tế kiểm dịch quốc tế Đà Nẵng bảo đảm kiểm soát người đi-đến tại sân bay và cảng biển thông qua tờ khai y tế và máy đo thân nhiệt. Nhờ đó, dù lưu lượng người qua lại đây rất lớn nhưng việc kiểm dịch có thể nói là trong tầm tay.
Ngành y tế biết rằng, chốt chặt ở nhiều ngõ, song chỉ cần một ngõ hở thì dịch hoàn toàn có thể lọt qua. Nhưng làm sao kiểm soát được đường bộ vẫn là câu hỏi khó.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, nếu đường hàng không và đường thủy vận chuyển người theo đợt, theo chuyến và có lối ra vào cửa ngõ rõ ràng, thì trên đường bộ lại có đa dạng phương tiện (ô tô, tàu hỏa, xe máy…) và di chuyển 24/24 nên ngành y tế không quản nổi.
Tìm cách “chặn ngọn”
Theo bác sĩ Thạnh, trong đợt dịch này, nếu một người sau khi bay đến Đà Nẵng, được phát hiện sốt hoặc có những dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm MERS-CoV, thì toàn bộ hành khách ngồi cùng hàng, trên và dưới một hàng người đó sẽ được lập danh sách theo dõi trong vòng 14 ngày. Đây được xem là cách ngăn chặn bệnh dịch từ gốc, trước khi bệnh xâm nhập vào nội thành.
“Nhưng áp dụng quy trình này vào giám sát đường bộ là lý thuyết và có muốn cũng khó làm được. Ngành y tế không thể cử người đứng ở các bến xe, chân đèo hay ranh giới các tỉnh để đo thân nhiệt hay kiểm soát dịch bệnh từng người hoặc từng đoàn xe lưu thông”, bác sĩ Thạnh nói.
Không thể kiểm soát trên đường bộ, ngành y tế chọn giải pháp kiểm soát… trong bệnh viện. Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, giám sát dịch trong cộng đồng hoặc trên đường bộ chỉ có thể làm tại các cơ sở y tế, cụ thể là tại Bệnh viện Đà Nẵng - đơn vị được giao điều trị MERS-CoV.
Theo đó, khi có ca nghi bệnh, bệnh viện sẽ thu dung, điều trị cách ly. Song song đó, các cơ quan phòng dịch khoanh vùng và rà soát người tiếp xúc để có hướng khống chế dịch lây lan.
Theo ngành y tế, việc phối hợp với các công ty lữ hành và giao thông vận tải để kiểm soát dịch trên đường bộ là điều không thực sự cần thiết. Bởi các ngành khác không có chuyên môn y tế sẽ không thể đảm nhận được nghiệp vụ kiểm dịch.
Tuy vậy, để ngành y tế “tự xử” lại là điều “bó phép”. “Chúng tôi kết hợp với các công ty du lịch ở khía cạnh tuyên truyền, giúp cung cấp cách nhận biết dấu hiệu bệnh, nơi điều trị và thông tin diễn biến dịch bệnh cho hành khách và đơn vị tổ chức tour để cùng với ngành y tế phòng, chống dịch”, bác sĩ Thạnh cho hay.
Thu Hoa