Y tế - Sức khỏe

Ghép tế bào gốc tạo máu: Còn xa lạ với người bệnh

14:04, 11/09/2015 (GMT+7)

Ghép tế bào gốc tạo máu là một trong những phương pháp tiên tiến điều trị bệnh máu ác tính và lành tính. Việt Nam ứng dụng kỹ thuật này từ năm 1995, khi ghép tế bào gốc tạo máu còn khá mới mẻ trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay, người bệnh ung thư máu ở nước ta chưa tiếp cận rộng rãi với phương pháp điều trị này.

Bác sĩ chuyên khoa II Phù Chí Dũng
Bác sĩ chuyên khoa II Phù Chí Dũng

Là cơ sở y tế đầu tiên của cả nước thực hiện ca ghép tế bào gốc tạo máu, đến nay, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu (thành phố Hồ Chí Minh) cũng là đơn vị tiên phong về số lượng ca ghép. Bác sĩ chuyên khoa II Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu, đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện phát triển kỹ thuật ghép tế bào gốc tại Việt Nam và triển vọng ứng dụng phương pháp này tại Đà Nẵng.

* Thưa bác sĩ, được biết, Việt Nam đã thực hiện 445 ca ghép tế bào gốc tạo máu, trong đó Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thực hiện 185 ca. Bác sĩ có thể chia sẻ về ca ghép ấn tượng nhất?

- Tế bào gốc là tế bào non trẻ có thể tự chuyển thành tế bào khác và phát triển thành mô, cơ quan. Ghép tế bào gốc có nhiều loại, bao gồm ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc tạo các cơ quan khác, v.v… Tuy nhiên, đến nay, chỉ có ghép tế bào gốc tạo máu được thế giới công nhận, còn các kỹ thuật ghép tế bào gốc khác đang trong quá trình nghiên cứu và tranh luận.

Việt Nam ứng dụng ca ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên vào ngày 15-7-1995. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự ra đời lĩnh vực ghép tế bào gốc nói chung của Việt Nam. Ca đầu tiên là ấn tượng và đáng ghi nhớ nhất, bởi thời điểm ấy, đất nước còn nghèo, khó khăn về kinh tế và khoa học kỹ thuật. Tuy vậy, một lĩnh vực rất mới của thế giới lúc bấy giờ đã được các bác sĩ trong nước tiếp cận và ứng dụng sớm. Thế giới triển khai ghép tế bào gốc tạo máu từ năm 1970. Đến 1990, các nước tiên tiến phát triển mạnh lĩnh vực này. Chỉ 5 năm sau, Việt Nam đã có ca ghép đầu tiên diễn ra trong nước.

Đây là trường hợp một người bị bạch cầu giai đoạn mãn. Bác sĩ đã lấy tế bào gốc từ tủy xương của người anh để ghép cho em. 20 năm trôi qua, hiện nay, bệnh nhân còn sống, đã có gia đình với 2 đứa con và làm nghề thợ may. Trong Hội nghị huyết học truyền máu diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 8-2015, chúng tôi đã mời bệnh nhân này đến tham dự.

* Hướng phát triển và những thách thức trong lĩnh vực ghép tế bào gốc tạo máu tại Việt Nam là gì, thưa bác sĩ?

- Năm 1995, cả nước có một nơi duy nhất thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu là Bệnh viện Huyết học - Truyền máu. Đến nay, cả nước có 9 trung tâm. Trong đó có 2 trung tâm lớn là Bệnh viện Huyết học - Truyền máu và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Viện triển khai kỹ thuật này vào năm 2006).
Việt Nam đã thực hiện được các kỹ thuật dị ghép (ghép tế bào gốc tủy xương, máu cuống rốn, tế bào gốc máu ngoại vi); kỹ thuật tự ghép (không qua dự trữ đông lạnh và qua dự trữ đông lạnh -196 độ C) và ghép Haplo.

Khó khăn lớn nhất là không có ngân hàng tế bào gốc tạo máu, chưa hình thành được cộng đồng hiến tủy. Nếu hiến máu nhân đạo (việc chúng ta đang triển khai rất thành công) là cách cho máu, thì hiến tủy là cách cho tế bào gốc. Thứ hai là chưa có một trụ sở xứng tầm, hiện đại về cơ sở vật chất, đáp ứng phát triển lĩnh vực ghép tế bào gốc tạo máu.

Thứ ba là chi phí cho một ca ghép còn cao so với mặt bằng thu nhập của người Việt. Dù Việt Nam là nước có giá ghép tế bào gốc thấp nhất, chỉ bằng 1/10 so với Singapore và 1/50 so với Mỹ nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân không đủ tiền lựa chọn phương pháp này. Trong khi đó, bảo hiểm y tế chi trả chưa nhiều cho phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu.

Một khó khăn khác là sự hạn chế về thuốc điều trị. Số ca điều trị không nhiều, nên thuốc nhập về số lượng có hạn. Cuối cùng là Nhà nước chưa quản lý chặt chẽ, dẫn đến “trăm hoa đua nở” ghép tế bào gốc. Việt Nam chỉ cần 3-4 trung tâm phát triển chuyên sâu là đủ.

* Vì sao người bệnh trong nước còn xa lạ với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu và triển vọng ứng dụng kỹ thuật này tại Đà Nẵng như thế nào?

- Do tư vấn, do chưa tin tưởng trình độ trong nước nên từng có thời gian người bệnh ra nước ngoài ghép tế bào gốc khá nhiều. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, hầu như người bệnh ít sang các nước lân cận ghép tế bào gốc, thay vào đó là lựa chọn ghép trong nước. Chi phí mỗi ca tại Việt Nam là 10.000 USD đối với phương pháp tự ghép; 20.000 USD cho dị ghép và ghép Haplo là 30.000-40.000 USD.

Đà Nẵng có những thuận lợi là có Bệnh viện Ung bướu với một khoa ghép đã hình thành. Bệnh viện đã gửi ekip đi học cao học về lĩnh vực này. Lãnh đạo thành phố cũng hỗ trợ cho sự phát triển y tế. Tuy nhiên, nếu muốn hình thành quy trình ghép tế bào gốc tạo máu, các nhà chuyên môn cần rà soát nhu cầu tại địa phương để đầu tư chính xác. Một đất nước chỉ cần 3-4 trung tâm chuyên sâu là đủ. Nếu làm thì trước hết chỉ nên tập trung kỹ thuật tự ghép. Bệnh viện Huyết học  - Truyền máu sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật giúp Đà Nẵng triển khai ghép tế bào gốc tạo máu.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

THU HOA thực hiện

.