Y tế - Sức khỏe
Đừng ngại với bao cao su
Hễ nhắc đến bao cao su (BCS), người Việt thường có thái độ rất ngại ngần. Khi đi mua “áo mưa”, dù nam hay nữ đều bịt kín mặt vì… sợ người quen bắt gặp.
Hầu hết các tiệm bán bao cao su đều dùng ánh điện mờ ảo để khách hàng đỡ ngại. (Trong ảnh: Một tiệm bán bao cao su trên đường Tôn Đức Thắng) |
Ít đèn để khách đỡ ngại
Vài năm trở lại đây, ngoài các tiệm thuốc tây, trên địa bàn Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện nhiều cửa hàng chuyên bán BCS. Đây là một tín hiệu vui khi công khai hóa, thương mại hóa một loại hàng hóa có tính nhạy cảm. Tuy nhiên, người dân khi đi mua mặt hàng này vẫn rất dè dặt và các chủ cửa hàng BCS vì thế cũng làm cửa hàng mình khác đi để chiều lòng các “thượng đế”.
Điểm chung dễ nhận thấy nhất ở các cửa hàng này về đêm là đều dùng ánh điện xanh, đỏ, tím, vàng mờ mờ ảo ảo. Có tiệm thậm chí chỉ thắp duy nhất một bóng đèn loại nhỏ bằng hai ngón tay. Hỏi chủ một cửa hàng bán BCS trên đường Tôn Đức Thắng, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Làm vậy để khách đỡ ngại, chứ cứ đèn điện sáng trưng, lỡ người quen thấy thì còn ai tới mua nữa. Nhiều cặp vợ chồng ghé vào tiệm tui mua, anh chồng chọn mẫu, còn chị vợ thì bịt mặt kín mít, tránh đi chỗ khác. Nói tới BCS, dân mình còn ngại lắm!”.
Tại một cửa hàng bán BCS khác hoạt động hơn 1 năm nay trên đường Trần Cao Vân, ông chủ tên T. cũng chỉ dùng loại đèn màu đỏ, vàng thắp sáng. Ông T. khẳng định, tất các các mặt hàng ở shop đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có giá dao động từ 15.000 - 200.000 đồng.
Lén lút mua BCS
Theo lời kể của một chuyên viên làm trong ngành truyền thông dân số-kế hoạch hóa gia đình, có lần, cơ sở tổ chức hội nghị chuyên đề về BCS. Lúc phát BCS, tất cả đại biểu đều không ai dám cầm. Thấy vậy, ban tổ chức đành giả vờ đi ra ngoài, đến khi vào lại thì tất cả các hộp đựng BCS đều trống trơn. Nói như thế để thấy, dù BCS đã được nhắc đến khá nhiều và nhẹ nhàng hơn so với trước nhưng với thái độ của người Việt vẫn chưa thực sự thoải mái khi nói về BCS.
Trong khi đó, với chị Trần Thị Thanh (32 tuổi, quận Hải Châu), dù đã có hai mặt con nhưng chưa lần nào chị dám đi mua BCS một mình. Nếu hai vợ chồng cùng đi mua, thì chị cũng chỉ đứng ở ngoài để chồng vô mua và bao giờ cũng kèm theo lời thúc giục. Chị Thanh e ngại cho biết: “Lúc chưa lấy chồng, nghe tới BCS thì mình đỏ mặt, tía tai, không bao giờ mở miệng nói BCS luôn. Lấy chồng được 8 năm, nhiều lúc chồng bận nhờ mình đi mua BCS, bao giờ mình cũng từ chối. Mà thậm chí mình có dám nói thẳng là BCS với chồng đâu, nói tránh là “cái ấy ấy” thôi”.
Không riêng gì nữ mà ngay cả nhiều nam giới cũng rất ngại khi đi mua BCS dù việc đó chẳng có gì sai trái. “Mỗi lần đi mua BCS, tôi cứ chạy lòng vòng, tiệm thuốc tây nào có nam mới dám vô mua. Bởi vậy, có lần tôi đang đi thì xe hết xăng, tìm chỗ đổ xăng xong lại quần tới quần lui tìm chỗ mua BCS mất hơn tiếng đồng hồ, làm vợ ở nhà lo lắng”, anh N.T.H (29 tuổi, quận Liên Chiểu) kể.
Không ai có thể phủ nhận được sự cần thiết của BCS đối với đời sống con người. “Cuộc chiến” giữa BCS và những định kiến chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Để xóa bỏ điều này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả xã hội để mọi người cùng nhận thức và hiểu đúng về một loại sản phẩm “đặc biệt” có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống tình dục và sức khỏe con người.
Bài và ảnh: MỘC MIÊN