Y tế - Sức khỏe
Hướng tới mục tiêu kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam
Sáng 1-12, Sở Y tế thành phố tổ chức mít-tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12).
Liên tiếp 8 năm qua, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả 3 tiêu chí về số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS; là nước có tỷ lệ nhiễm HIV thấp trong khu vực. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, dịch HIV giảm chưa đồng đều trên phạm vi cả nước, lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đang có xu hướng tăng nhanh.
Riêng tại Đà Nẵng, mỗi năm có khoảng 120 ca nhiễm HIV mới, trong đó 50-70 trường hợp là người địa phương. Tính đến cuối tháng 10-2015, toàn thành phố đã phát hiện 1.885 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 824 trường hợp chuyển qua AIDS và 450 ca tử vong do AIDS. Người nhiễm HIV tại thành phố đang có xu hướng trẻ hóa, với hơn 70% số người nhiễm nằm trong độ tuổi 20-39 và được phát hiện nhiễm khá muộn. Lây nhiễm HIV qua tình dục chiếm trên 90% số ca nhiễm HIV mới, kéo theo sự gia tăng HIV trong phụ nữ và nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Để hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, Việt Nam cam kết và hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hợp Quốc đã đề ra. Cụ thể, đến năm 2020, 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh cũng như giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác.
Theo ước tính, Việt Nam mới phát hiện được khoảng 78% số người nhiễm HIV trong cộng đồng và mới điều trị ARV cho được 45% tổng số người nhiễm HIV được phát hiện. Ngoài ra, việc xét nghiệm tải lượng vi-rút ở Việt Nam chưa mang tính thường quy, chủ yếu cho các bệnh nhân nghi ngờ thất bại điều trị. Trong khi đó, các nguồn lực quốc tế cam kết đang cắt giảm nhanh chóng và hiện chưa có bất kỳ cam kết hỗ trợ nào của các tổ chức quốc tế sau năm 2018.
Thu Hoa