Y tế - Sức khỏe

Xã hội hóa công tác điều trị methadone

08:08, 17/12/2015 (GMT+7)

Giảm tần suất và liều sử dụng heroin, giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, ổn định cuộc sống, giúp người nghiện có việc làm... là những hiệu quả mà chương trình điều trị methadone tại Đà Nẵng đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, xã hội hóa vẫn là cách làm cần đẩy mạnh nhằm duy trì hiệu quả và bảo đảm tính bền vững của chương trình này.

Tư vấn tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng.
Tư vấn tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng.

Gần 71% có việc làm

Đà Nẵng hiện có 2 cơ sở điều trị methadone thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng. Trong đó, 344 bệnh nhân đang điều trị tại đây. Khi mới bắt đầu tham gia chương trình, chỉ 136 người có việc làm nhưng đến nay, sau 4 năm điều trị bằng methadone, 246 người đã tìm được việc làm ổn định và rất nhiều người trong số đó đã có gia đình.

“Trước đây, ngày nào tui cũng khổ sở vì lên cơn nghiện ma túy, vật vã, khó chịu, tưởng như muốn đập vỡ mọi thứ. Bây giờ, tui đã mất hẳn cảm giác khi sử dụng ma túy, không còn “thèm” thuốc nữa”, anh X. (34 tuổi, ở quận Thanh Khê) cho biết.

Không còn lên cơn nghiện do uống methadone đều đặn tại cơ sở điều trị methadone thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, anh X. đã tìm được công việc sửa xe và có một gia đình nhỏ với con trai mới chào đời. Anh X. bảo, đó là điều mà trước đây một “con nghiện” như anh chưa hề “mơ” tới.

Cũng uống thuốc đều đặn tại Trung tâm như anh X., anh V. (44 tuổi, ở quận Hải Châu) cho biết: “Trước đây, tui khổ sở vì nghiện ma túy, cha mẹ buồn rầu và lo lắng. Từ khi điều trị bằng methadone, tôi cai nghiện ma túy nhẹ nhàng và dễ hơn. Sức khỏe của tôi hiện khá hơn nhiều, không còn cảm thấy mệt mỏi vì thèm thuốc và lo làm ăn”.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, hầu hết bệnh nhân điều trị bằng methadone ở quận Thanh Khê (33,1%), quận Hải Châu (27%) và ít nhất là ở huyện Hòa Vang (1,7%). Đáng lưu ý, có đến 67 bệnh nhân là người ngoại tỉnh nhưng đăng ký tạm trú tại thành phố để tham gia chương trình này.

Đồng thời, các y bác sĩ cũng ghi nhận không có ca nhiễm HIV mới nào trong số các bệnh nhân sau khi tham gia chương trình. Bác sĩ Nguyễn Phú Đoan Trinh, phụ trách cơ sở điều trị methadone số 2 cho biết: “Trong quá trình điều trị, nhìn chung bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt, hầu hết tăng từ 2-3kg sau 6 tháng điều trị. Đồng thời, tỷ lệ bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với heroin sau 6 tháng điều trị chỉ khoảng 5,2%, thấp so với nhiều địa phương khác”, bác sĩ Trinh nói.

Cần xã hội hóa

Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng cho biết, lâu nay, do có sự đầu tư kinh phí của Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam nên bệnh nhân điều trị methadone hoàn toàn được miễn phí.

Tuy nhiên, từ năm 2015, dự án chỉ hỗ trợ thuốc methadone và cắt các phí liên quan đến điều trị bệnh nhân (gồm các xét nghiệm và chi phí khác liên quan đến việc cấp thuốc cho bệnh nhân).

“Các phí liên quan này đã được thành phố hỗ trợ và bổ sung kinh phí kịp thời trong năm 2015 nên việc điều trị cho bệnh nhân vẫn được tiếp tục và miễn phí. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu thu toàn bộ phí điều trị thì sẽ trở ngại trong thu hút bệnh nhân tham gia vì phần lớn họ có hoàn cảnh khó khăn”, bà Đào nói.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Y tế thành phố đã xây dựng Đề án xã hội hóa điều trị methadone, trong đó ngân sách thành phố sẽ chi phí cho nhân sự của cơ sở điều trị methadone và hỗ trợ một phần chi phí cho bệnh nhân nghèo, thuộc diện chính sách.

Thực tế, việc xã hội hóa trong điều trị methadone giúp địa phương có một phần kinh phí để duy trì hoạt động và bảo đảm tính bền vững của chương trình, giảm gánh nặng chi tiêu ngân sách cho Nhà nước, đồng thời tăng cường trách nhiệm của bệnh nhân và gia đình người bệnh. Về cơ bản, bệnh nhân chỉ chịu một phần kinh phí rất nhỏ có thể chấp nhận được so với kinh phí của thành phố và dự án quốc tế.

Để giúp việc xã hội hóa công tác điều trị methadone, Bộ Y tế cũng vừa có công văn hướng dẫn thực hiện khung giá dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại các cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện. Đây là căn cứ để Sở Y tế Đà Nẵng xác định khung giá chi tiết của từng dịch vụ khi thực hiện xã hội hóa chương trình điều trị methadone tại địa phương.

Methadone là chất đồng vận với chất dạng thuốc phiện, có tác dụng tương tự như morphine, hay heroin nhưng không gây khoái cảm hoặc khoái cảm yếu. Methadone có tác dụng làm mất các biểu hiện của hội chứng cai, giảm đáng kể thèm nhớ, cạnh tranh và khóa tác động của heroin.

Bài và ảnh: LÊ MẬN

.