Y tế - Sức khỏe

Cháu bé sinh trên bầu trời: Cuộc hội ngộ của 3 người phụ nữ

14:35, 07/03/2016 (GMT+7)

ĐNĐT - Sáng 7-3, sau hơn hai ngày được chuyển vào chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, người mẹ “sinh con trên bầu trời” Nguyễn Thị Ngọc Nga bất ngờ được đón tiếp những vị khách rất đặc biệt là tổ tiếp viên chuyến bay BL590 của hãng Jetstar và nhất là được gặp lại Fiona, bác sĩ người Anh đã giúp chị vượt cạn trên cùng chuyến bay.

Bác sĩ Fiona, chị Trần Thị Huệ-tiếp viên trưởng và sản phụ Nga chỉ biết ôm nhau thật chặt, thật lâu trong chan hoàn nước mắt và nụ cười không dứt.

Bác sĩ Fiona, chị Trần Thị Huệ, tiếp viên trưởng và sản phụ Nga ôm nhau thật chặt, thật lâu trong chan hòa nước mắt và nụ cười không dứt.

Bác sĩ Fiona, chị Trần Thị Huệ, tiếp viên trưởng và sản phụ Nga chỉ biết ôm nhau thật chặt, thật lâu trong chan hòa nước mắt và nụ cười không dứt. 

Tiếp viên trưởng Trần Thị Huệ chưa thôi xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc có hành khách thông báo… muốn sinh ngay lập tức! “Tôi sốc ngay phút đầu tiên, nhưng cố trấn tĩnh để báo với cơ trưởng và thông báo nếu có bác sĩ trên chuyến bay thì xin sự trợ giúp. Tôi vừa dứt lời thì có một nữ hành khách cho biết chị là bác sĩ.

Chị bắt tay ngay vào việc bằng những câu hỏi thai bao nhiêu tuần tuổi, vỡ ối chưa, bé chuyển động muốn ra chưa, v.v… Tôi dịch toàn bộ những câu hỏi này cho sản phụ và làm tất cả những gì có thể trong tình huống khẩn cấp. Sợ nhất là lúc nhìn sản phụ có dấu hiệu muốn lả đi.

Vì từng trải qua 2 lần sinh nở, tôi cố nhớ lại tất cả cảm giác chuyển dạ của mình và… tát vào mặt sản phụ cho cô ấy tỉnh lại, đồng thời liên tục động viên: Em không được ngủ! Em không được ngủ!”. Trong khi tiếp viên trưởng tất bật giúp bác sĩ đỡ đẻ, 3 tiếp viên còn lại chia nhau chốt chặn hai đầu máy bay, đi dọc khoang hành khách trấn an mọi người. “Chúng tôi phải làm vậy để tránh tình trạng hành khách lo lắng hoặc tò mò dồn về một phía thì sẽ mất cân bằng tải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay”, chị Huệ chia sẻ.

Sau khi máy bay hạ cánh và sản phụ được chuyển đến bệnh viện an toàn, tổ tiếp viên mất 40 phút để làm sạch “phòng sinh” bất đắc dĩ. Tối hôm đó, trở về nhà, chị Huệ cảm thấy tức ngực, khó thở và không thể ngủ vì sự căng thẳng vừa trải qua và cả nỗi lo lắng cho sức khỏe của mẹ con chị Nga.

Qua thông tin từ nhân viên mặt đất, chị Huệ biết mẹ con sản phụ đều khỏe, song chỉ đến khi được tận mắt nhìn “hành khách đặc biệt” của mình, chị mới thực sự thở phào và bật khóc cùng bao cảm xúc ngổn ngang.

Bác sĩ Fiona khen ngợi Nga là người mẹ mạnh mẽ nhất mà cô từng biết.
Bác sĩ Fiona khen ngợi Nga là người mẹ mạnh mẽ nhất mà cô từng biết.

Fiona Julia Sutton, bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Hammersmith, Anh quốc, lần đầu tiên đến Việt Nam du lịch cùng những người bạn. Fiona còn rất trẻ và chưa có em bé. Chị không thể tưởng tượng hành trình du lịch của mình lại xuất hiện tình huống bất ngờ này.

Fiona say sưa ngắm bé ngủ
Fiona say sưa ngắm bé ngủ

Fiona khóc rồi cười, cười rồi khóc trong vòng tay ôm siết sản phụ Nga. Không chung ngôn ngữ nhưng chẳng có gì là rào cản khi chỉ cần nhìn vào mắt nhau là họ như đang cùng nói bao điều. Nếu sản phụ Nga luôn miệng cảm ơn Fiona, thì Fiona lại không ngớt khen ngợi Nga là người mẹ mạnh mẽ nhất mà cô từng biết.

Fiona rất vui khi có ai trêu cậu bé là con của cô
Fiona rất vui khi có ai trêu cậu bé là con của cô

Trước khi chia tay, Fiona trao lại cho sản phụ Nga mảnh giấy ghi địa chỉ của cô để hy vọng được nghe thông báo về quá trình lớn lên của em bé. Chị Huệ, tiếp viên trưởng, cũng “gửi gắm” Nga hãy chăm sóc bé thật tốt và mong với món quà máy bay mô hình mà mình trao tặng, bé có thể nuôi dưỡng ước mơ trở thành một phi công giỏi trong tương lai. Sản phụ Nga cho hay, sức khỏe hai mẹ con rất tốt và dự kiến xuất viện vào ngày 8-3.

Theo đại diện của Jetstar, em bé sinh ra trên bầu trời này sẽ được tài trợ bay miễn phí tất cả các chuyến của hãng này cho đến năm 20 tuổi.

Bà bầu lưu ý khi đi máy bay

Đại diện hãng Jetstar Pacific cho biết, căn cứ theo luật hàng không quốc tế, mỗi hãng sẽ có quy định riêng, chi tiết hơn trong việc vận chuyển hành khách mang thai.

Với Jetstar, khách mang thai từ 28 tuần đến dưới 36 tuần phải có giấy khám sức khỏe còn hiệu lực trong 10 ngày của bác sĩ. Khách mang thai từ 36 tuần trở lên thì hãng từ chối chuyên chở để bảo đảm an toàn cho hành khách và chuyến bay.

Theo các bác sĩ, lý do các hãng hàng không từ chối chuyên chở khách có tuần thai lớn là vì thai từ tuần 35 trở đi rất nhạy cảm với những kích thích bên ngoài như độ ẩm, áp suất, rung, lắc…dễ gây sinh non.

THU HOA (thực hiện)

.