.
Phương hay Thuốc quý

Thang thuốc bỏ gừng

.

“Mẹ già hai đứa nuôi chung
Đứa lo cơm cháo, đứa giùm thuốc thang.
Thuốc thang, thang thuốc bỏ gừng
Qua không bỏ bậu, bậu đừng bỏ qua”

(Ca dao xứ Quảng)

Gừng là gia vị và là vị thuốc cổ truyền rất phổ biến. Việc bỏ (thêm) vài ba lát gừng tươi vào mỗi thang thuốc gần như đã thành một… tập quán trong việc dùng thuốc Đông y ở nước ta.

Gừng - vừa làm gia vị, vừa là thuốc quý, nên trồng trong mỗi nhà. (Ảnh: Internet)
Gừng - vừa làm gia vị, vừa là thuốc quý, nên trồng trong mỗi nhà. (Ảnh: Internet)

Thực ra trong các tác phẩm kinh điển của Đông y ra đời cách đây trên dưới 2.000 năm, việc dùng gừng đã có sự phân biệt tác dụng rất rõ ràng và hết sức nghiêm cẩn dưới hai vị thuốc chính là gừng tươi (Sinh khương) và gừng khô (Can khương).

Thần nông bản thảo kinh nói gừng tươi có tác dụng khử mùi hôi, làm tinh thần thông thái; còn gừng khô chủ trị tức ngực, ho suyễn, cầm máu, ấm tỳ vị, ra mồ hôi, chữa phong thấp viêm khớp, bệnh tả lỵ.

Bản kinh sớ chứng ghi: Chứng “hàn” (lạnh do bên ngoài xâm nhập) thì dùng gừng sống, chứng “lãnh” (lạnh do dương hư từ trong cơ thể) thì dùng gừng khô. Gừng khô có thể dùng thay gừng tươi, nhưng gừng tươi không thể thay gừng khô. Bệnh nôn ọe phần nhiều dùng gừng tươi, thỉnh thoảng có thể dùng gừng khô. Chứng ho tất phải dùng gừng khô, không được dùng gừng tươi, vì ho là bệnh thuộc tạng phế, mà phế bệnh dùng thuốc thu liễm làm chính, không được dùng thuốc phát tán làm chính.  

Thống kê cho thấy trong tác phẩm kinh điển Thương hàn tạp bệnh luận của Thánh y Trương Trọng Cảnh có 113 bài thuốc chữa thương hàn và 199 bài thuốc chữa tạp bệnh, thì phần Thương hàn luận có 39 bài thuốc dùng gừng tươi và 24 bài thuốc dùng gừng khô; còn phần Tạp bệnh luận (Kim quỹ yếu lược) có 51 bài thuốc dùng gừng tươi và 32 bài thuốc dùng gừng khô.

Như vậy gần phân nửa các bài thuốc kinh điển có dùng gừng.

Một số bài thuốc dùng gừng chữa bệnh:

- Trị cảm mạo phong hàn, sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, tắc ngạt mũi:  lấy 1 củ gừng tươi (10g), xắt lát, sắc lấy nước uống; hoặc dùng bài thuốc: tía tô, kinh giới, bạc hà mỗi vị 12g; bạch chỉ, địa liền, trần bì mỗi vị 8g; gừng tươi 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền vài thang tới hết các triệu chứng.

Ngoài ra, có thể dùng vài ba củ gừng tươi, giã nát, xào nóng, gói vào miếng vải gạc, đôi khi cùng với tóc rối và rượu rồi chà xát lên người, trước tiên vùng trán, thái dương, sau gáy, sống lưng, ngực, lòng bàn tay, bàn chân. Cơ thể sẽ dần dần ấm trở lại và giảm đau nhanh.

- Thương phong cảm mạo: gừng tươi 5 lát, hành 5 tép, sắc uống nóng cho ra mồ hôi.

- Nôn mửa nước trong: gừng tươi 5 lát, bán hạ chế 6g, trần bì 8g. Sắc uống dần từng ít một.

- Say tàu xe: gừng tươi 2 lát mỏng, dán cố định vào 2 huyệt Nội quan. Có thể kết hợp ngậm 1 lát gừng tươi trong miệng, nhấm nuốt dần từng tí một.

- Trúng gió cấm khẩu: nước cốt gừng tươi 12g, kinh giới 12g (sắc nước riêng, khoảng 12ml), trúc lịch 6ml (lấy măng vòi hơ nóng, vắt lấy nước), rượu trắng 6ml. Trộn đều 4 dịch trên, dùng thìa cho người bệnh uống.

- Đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, không tiêu: nướng 1 củ gừng tươi rồi nhai nuốt; đặc biệt tốt cho phụ nữ sau đẻ bị cảm lạnh, khí huyết ngưng trệ dẫn đến đau bụng, chân tay lạnh, mặt nặng. Hoặc cũng do lạnh dẫn đến đau bụng dữ dội, đau lan ra lưng, sườn, ngực, nên dùng: ngải diệp, quế chi mỗi vị 12g; gừng tươi 8g. Sắc uống.

- Trị ho, đờm nhiều, ho do viêm phế quản: dùng gừng tươi 10g, giã nát, vắt lấy nước cốt, trộn đều với 5ml mật ong, uống. Hoặc dùng: gừng tươi, cam thảo, bách bộ, mạch môn, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang;

- Ho có đàm loãng trắng trong: gừng tươi hoặc gừng khô 6g, bán hạ chế 8g, tế tân 3g, phục linh 15g, trần bì 6g. Sắc uống.

- Trị phù thũng, tiểu tiện bí, dắt: vỏ gừng tươi 10g, vỏ phục linh và vỏ bí đao đều 15g, sắc uống. Hoặc dùng bài ngũ bì ẩm: vỏ gừng tươi, vỏ rễ dâu, vỏ quýt, vỏ quả cau, vỏ phục linh, đồng lượng 12g, sắc uống ngày 1 thang cho tới khi các triệu chứng thuyên giảm.

- Vong dương, tháo mồ hôi, tay chân lạnh: gừng khô 10g, phụ tử 10g, cam thảo 6g, nhân sâm 10g, sơn thù nhục 15g. Sắc uống.

- Trúng hàn dẫn đến vừa thổ, vừa  tả: gừng khô nướng, tán bột, mỗi lần 8-10g quấy đều vào cháo nóng ăn. Hoặc dùng: gừng khô và riềng ấm đều 9g, sắc uống.

- Tỳ vị hư hàn làm bụng lạnh đau, sáng sớm nôn ra nước trong: gừng khô, đảng sâm, bạch truật đều 10g; bán hạ, trần bì đều 6g, sắc uống.

- Tả lỵ lâu ngày: gừng khô sao sém 9g, hoàng liên 6g, tán bột uống.

- Hen suyễn nhiều đàm trong loãng: gừng khô 9g, tế tân 3g, ngũ vị tử 5g, bán hạ 6g, bạch truật 12g, phục linh 12g, sắc uống.

- Băng huyết, kinh ra quá nhiều: gừng khô sao cháy sém 10g, ngải diệp 15g, đường đỏ vừa đủ ngọt, sắc uống.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.