Y tế - Sức khỏe

Cân bằng giới tính khi sinh

09:11, 01/05/2016 (GMT+7)

Bản chất của mất cân bằng giới tính khi sinh là bất bình đẳng giới. Hiện nay, việc phần lớn các cặp vợ chồng đều mong muốn sinh con trai là một trong những nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng giới tính.

Thực tế, trong xã hội, vai trò của người phụ nữ chưa thật sự được phát huy. Luật Bình đẳng giới đã đi vào cuộc sống gần 8 năm nhưng người phụ nữ luôn là người yếm thế trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, các cấp, các ngành cần nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ về mọi mặt, giúp phụ nữ nâng cao sự hiểu biết về bình đẳng giới; xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, định kiến; tự lập, tự nâng cao trình độ văn hóa chuyên môn; phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử với nữ giới.

Trong quý 1 năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh toàn thành phố Đà Nẵng là 109,4 trẻ em trai/100 trẻ em gái; trong đó, ở một số địa phương, tỷ lệ này có chiều hướng gia tăng. Tư tưởng muốn sinh được con trai là vấn đề đã bám rễ vào người dân. Vì thế, các cấp, các ngành chuyên môn phải luôn tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới người dân nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; đồng thời, phải có sự vào cuộc quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành và làm tốt việc tuyên truyền cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chú trọng các cặp vợ chồng có hai con một bề là gái, giúp người dân hiểu việc mất cân bằng giới tính khi sinh, hậu quả của nó để mọi người không lựa chọn giới tính khi đang mang thai mà sinh con trai hay con gái một cách tự nhiên.

Một trong những giải pháp nhằm giảm mất cân bằng giới tính là nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi. Nhưng  thực tế, phụ nữ mang thai không khó để biết giới tính bào thai và hiện tượng này tương đối phổ biến hiện nay.

Lý giải vấn đề này, chị Võ Thị Hồng Giang, cán bộ dân số phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) cho biết: “Việc thay đổi nhận thức xem con gái cũng như con trai là quá trình vận động, tuyên truyền lâu dài, kiên trì, bền bỉ, chứ không thể trong một vài năm và cần sự chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc việc cấm lựa chọn giới tính khi sinh tại các cơ sở phòng khám; tổ chức nói chuyện chuyên đề cho các nhóm đối tượng như cán bộ lãnh đạo, các ngành, đoàn thể, thanh niên và vị thành niên...”.

Trước thực trạng trên, Đà Nẵng triển khai thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016-2025. Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Đề án nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phấn đấu giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này dưới mức 115/100 vào năm 2020. Ở các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh từ 115/100 trở lên, giảm tỷ số giới tính khi sinh ít nhất 0,4 điểm phần trăm/năm trong giai đoạn 2016-2020; phấn đấu giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107/100 sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Để đạt được những mục tiêu trên, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, truyền thông cho các cặp vợ chồng, những người đứng đầu dòng họ và gia đình, nam - nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, những người cung cấp dịch vụ có liên quan về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính thai nhi, giới và bình đẳng giới.

MINH TUẤN

.