Y tế - Sức khỏe

Phương hay-Thuốc quý: Rau sam

06:20, 08/05/2016 (GMT+7)

Theo Đông y, rau sam vị chua, tính lạnh, có công năng thanh nhiệt trừ thấp, lương huyết giải độc, chủ trị bệnh lỵ trực khuẩn, trẻ em cam tích, mụn rộp, đại tiện ra máu, bệnh trĩ nhiễm trùng hoặc xuất huyết, bỏng lửa, nhọt độc sưng đau, viêm bàng quang cấp tính, viêm ruột, bạch đới, rắn độc cắn. Dùng đắp ngoài trị đinh nhọt sưng đau, chàm (eczema) và lở ngứa, trẻ em lên đậu, chốc đầu.

Rau sam – cây rau, cây thuốc. Ảnh: P.C.T.
Rau sam – cây rau, cây thuốc. Ảnh: P.C.T.

Rau sam, tên khoa học Portulaca oleracea L., thuộc họ Rau sam -Portulacaceae.  Là cây thảo, sống hằng năm, mọc bò, có thân mập màu đỏ tím nhạt. Lá dày bóng, hình bầu dục, không cuống, giống hình răng con ngựa, nên có tên Mã xỉ hiện (Rau dền răng ngựa).

Hoa màu vàng, mọc ở đầu cành và ngọn thân. Quả nang, hình cầu, mở bằng một nắp (quả hộp) chứa nhiều hạt đen bóng. Cây mọc rải rác hay thành từng đám ở các bờ bãi đất hoang, nương rẫy, dọc đường đi. Hiện nay còn được gieo trồng trong vườn để lấy rau ăn và làm thuốc.

Thân và lá rau sam có thể ăn sống như xà lách, hoặc xào nấu, luộc chín như các loại rau khác. Tuy rau sam có vị chua hơi đắng và nhớt, nhưng ăn quen thì thấy ngon. Phân tích cho thấy rau sam có glycosid, saponin, chất nhầy, acid hữu cơ, các muối kali, các vitamin A, B1, B2, C, PP và men ureaze.

Bài thuốc ứng dụng:

- Bệnh lỵ do trực khuẩn: Rau sam tươi 100g, rửa sạch, sắc uống, hoặc giã vắt nước cốt uống, có thể pha thêm mật ong hoặc rượu vang vào nước cốt uống. Trẻ em giảm còn 1/2 hay1/3 liều này.

- Trẻ em cam tích (bụng ỏng, đít beo): Rau sam tươi 60g, Gan gà 1 bộ. Rửa sạch, xắt nhỏ 2 thứ thêm nước chưng chín, ăn gan uống nước, ngày 1 thang, dùng liên tục 3-5 ngày.

- Tẩy giun kim, giun đũa: Rau sam 50g rửa sạch, giã nhỏ với ít muối, thêm nước, vắt lấy nước trong, uống vào buổi tối (có thể thêm đường). Uống liền 3 tối, không nhịn ăn. Hoặc dùng 3 nắm to rau sam sắc lấy một bát nước uống lúc đói, uống 2-3 lần thì giun ra.

- Thổ tả (ỉa mửa) do trúng nắng: Rau sam khô 30g, sắc lấy nước (bỏ bã), thêm 15g đường đỏ khuấy đều, chia 3 lần uống, dùng liên tục 2-3 ngày.

- Ho gà phát sốt: Rau sam tươi 60g, Quả mướp tươi 60g. Sắc chia 3 lần uống.

- Ho ra máu do phế nhiệt: Rau sam tươi 60g, Rễ tranh 30g, Tiên hạc thảo 20g. Sắc chia 3 lần uống.

- Viêm amidan cấp tính: Rễ rau sam thiêu tồn tính, lấy 3g trộn với 0,3g băng phiến, nghiền mịn thổi vào yết hầu, ngày 3 lần.

- Đại tiện ra máu, bệnh trĩ xuất huyết: Rau sam tươi 90g, Địa du 15g, Ban lá dính 10g. Sắc chia 3 lần uống, dùng liên tục 3-5 ngày.

- Mụt nhọt: Rau sam tươi 30-60g, sắc chia 2 lần uống. Đồng thời dùng rau sam tương lượng vừa đủ, rửa sạch, thêm chút muối, giã đắp chỗ đau.

- Bị bỏng hoặc nhọt độc sưng đau: Rau sam tươi 60g, Chua me đất hoa vàng 60g. Rửa sạch, giã đắp lên hoặc vắt nước cốt bôi ngoài, làm nhiều lần trong ngày.

- Rắn cắn ong chích: Rau sam tươi vừa đủ, giã đắp lên vết thương.

- Mụt nhọt lở loét, lâu ngày không liền miệng: Rau sam tươi và Tử hoa địa đinh tươi, lượng vừa đủ. Rửa sạch, giã nát đắp ngoài. Hoặc dùng độc vị rau sam khô lượng vừa đủ, sao cháy tồn tính, tán bột mịn, rắc lên vết thương, dùng gạc băng lại. Mỗi ngày thay thuốc một lần, đến khi lành hẳn mới thôi.

- Tử cung xuất huyết do cơ năng, thuộc chứng thực nhiệt: Rau sam tươi 30g, rượu ngon vừa đủ. Rau sam rửa sạch, xắt nhỏ, rưới rượu trộn đều, thêm nước chưng chín ăn.

- Viêm bàng quang cấp tính: Rau sam tươi 60g, Rau mã đề 30g. Sắc uống.

- Viêm ruột do trùng roi: Rau sam tươi 100g, Biển súc 30g, Khổ sâm 25g. Sắc chia uống 2 lần vào buổi sáng và tối, uống thuốc còn ấm.

- Bệnh trĩ nhiễm trùng hoặc xuất huyết: Rau sam 100g, Ruột già heo một đoạn 15cm. Hai thứ rửa sạch, nhận rau sam vào đoạn ruột già, khâu 2 đầu lại, nhỏ lửa chứng chín nhừ, ăn cho hết trước bữa cơm chiều khoảng nửa giờ. Mỗi ngày ăn 1 lần.

- Trẻ em ỉa lỏng: Rau sau khô 30g hoặc tươi 60g, sắc lấy nước, thêm đường kính bón trẻ uống ít một.

- Trẻ em phỏng rạ (mụn rộp): Rau sam, Đậu đỏ, Vỏ quả mướp, Rễ cây gai bánh ít, Củ chuối, Rễ hoa cúc, lượng bằng nhau, sấy khô tán bột, dùng lượng vừa đủ quấy với nước cơm đắp lên vùng da có mụn nước, mỗi ngày 3 lần.

- Teo thần kinh thị giác gây mờ mắt: Hạt rau sam sấy giòn tán bột, mỗi lần dùng 5g quấy vào cháo hành đậu ăn.

- Xích bạch đới (khí hư): Rau sam tươi 100g, giã vắt nước trộn trứng gà 1-2 cái, chưng chín, thêm đường đỏ vừa ăn.

- Bệnh tiểu đường (thể âm hư táo nhiệt): Rau sam khô 100g, sắc chia 2 lần uống, mỗi ngày 1 thang, dùng liên tục 1 tháng.

Từ lâu ở Trung Quốc, Rau sam được bào chế thành các chế phẩm dịch tiêm và viên nang tiêu lỵ. Mới đây, Công ty TNHH Thiên Dược của TS, DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã nghiên cứu sản xuất chế phẩm Thiên Hoàng Sa từ rau sam và rau dền gai để hỗ trợ điều trị bệnh trĩ. Đây là xu hướng hiện đại hóa  các chế phẩm y dược cổ truyền cần tiếp tục phát huy.

PHAN CÔNG TUẤN

.