Y tế - Sức khỏe

Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS

09:57, 21/02/2017 (GMT+7)

So với các địa phương trên cả nước, Đà Nẵng có nhiều đột phá trong phòng, chống HIV/AIDS. Ngay từ năm 2015-2016, thành phố đã phê duyệt kinh phí để mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho các bệnh nhân không có khả năng mua BHYT.

Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có nhiều đột phá trong công tác phòng, chống và điều trị HIV/AIDS. TRONG ẢNH: Một buổi tập huấn về phòng, chống HIV/AIDS.
Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có nhiều đột phá trong công tác phòng, chống và điều trị HIV/AIDS. TRONG ẢNH: Một buổi tập huấn về phòng, chống HIV/AIDS.

Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn thành phố phát hiện 122 trường hợp xét nghiệm dương tính với HIV, trong đó có 59 trường hợp ngoài tỉnh (chiếm 48,4%) và 63 trường hợp có địa chỉ tại Đà Nẵng.

So với năm 2015, số ca nhiễm HIV mới tăng 20 trường hợp, giảm 16 bệnh nhân AIDS do áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán mới. Tổng số nhiễm mới HIV được phát hiện là 2.022 trường hợp, trong đó có 850 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, 436 trường hợp tử vong do AIDS và hiện còn sống 1.559 trường hợp.

Từ thực tế trên, công tác giám sát HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm đã được triển khai với nhiều hình thức. Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và các đơn vị chức năng đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc HIV cho 49.233 mẫu máu, thực hiện 300 mẫu giám sát trọng điểm lồng ghép với giám sát hành vi theo quy định ở 2 nhóm gồm phụ nữ bán dâm và nam tiêm chích ma túy.

Ngoài ra, chương trình tiếp cận cộng đồng (TCCĐ) đã được triển khai trên 4 nhóm, bao gồm nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nhóm sau cai nghiện, nhóm mại dâm đường phố và nhóm tiếp viên trong các dịch vụ vui chơi giải trí với 30 đồng đẳng viên. Trung tâm cũng đã tư vấn và xét nghiệm HIV cho 2.420 khách hàng và phát hiện 49 người dương tính với HIV.

Bác sĩ Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố cho biết: “Liên quan đến hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV) cho người nhiễm HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hiện số bệnh nhân đăng ký điều trị là 369 người, trong đó có 356 người lớn và 13 trẻ em; có 350 người đang được điều trị thuốc ARV.

Trung tâm đã tư vấn xét nghiệm HIV cho 14.878 phụ nữ mang thai, phát hiện 7 trường hợp nhiễm HIV và đã điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đồng thời cấp 1.530 test HIV cho bệnh viện lao và bệnh phổi để thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV cho bệnh nhân mắc lao trên địa bàn thành phố”.

Các hoạt động can thiệp giảm tác hại được triển khai đồng bộ và có sự phối hợp liên ngành. Công tác điều trị, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS bảo đảm duy trì bằng nguồn ngân sách thành phố trong điều kiện kinh phí cho hoạt động này từ nguồn các dự án quốc tế cắt giảm.

Tuy nhiên, theo bà Đào, việc số ca phát hiện nhiễm HIV mới là người ngoại tỉnh cao (48,4%) đã gây khó khăn cho công tác quản lý người nhiễm HIV cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS trên địa bàn thành phố. Việc quản lý một số bệnh nhân điều trị Methadone gặp khó khăn do bệnh nhân ở một nơi, hộ khẩu một nơi nên địa phương không quản lý được.

Ngoài ra, một số bệnh nhân ngoại tỉnh chuyển đến sinh sống gây khó khăn trong quản lý bệnh nhân theo quy trình điều trị như xét nghiệm máu, nước tiểu định kỳ và dự trù thuốc Methadone. “Mặc dù thành phố đã bố trí kinh phí để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV nhưng một số bệnh nhân nhiễm HIV không mua được thẻ BHYT vì phải mua thẻ BHYT theo hộ gia đình như quy định của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH). Chúng tôi vừa gửi công văn đề nghị thành phố có ý kiến với cơ quan BHXH có cơ chế bán thẻ BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV không theo hộ gia đình nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT”, bà Đào cho biết thêm.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

.