Y tế - Sức khỏe
Thuốc và thơ
Rằm tháng Giêng là ngày giỗ Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) và là ngày truyền thống của ngành y học cổ truyền Việt Nam. Mấy năm gần đây, Rằm tháng Giêng (Nguyên tiêu) còn là Ngày Thơ Việt Nam.
Hải Thượng Lãn Ông - tượng đất nung của nghệ nhân Lê Đức Hạ. Ảnh: P.C.T |
Có một gặp gỡ thú vị giữa thuốc và thơ trong ngày kỷ niệm này: Hải Thượng Lãn Ông, tác giả bộ sách Hải Thượng Y Tôn Tâm Lĩnh (HTYTTL), không chỉ là nhà y học lớn mà còn là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở thế kỷ XVIII.
Trong lời tựa và tập Y lý thâu nhàn lý ngôn phụ chí (phụ chép những lời thơ quê mùa làm trong lúc hành y rảnh rỗi,) in đầu sách HTYTTL, có lưu lại 30 bài thơ Hải Thượng Lãn Ông đã sáng tác.
Riêng trong tập Thượng Kinh Ký Sự, một tập bút ký độc đáo tường thuật quá trình lên kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm vào năm 1782 cũng đã ghi lại hơn 50 bài thơ của Hải Thượng Lãn Ông sáng tác trong ngót một năm, chưa kể vài ba chục bài thơ do các danh sĩ đương thời họa lại thơ tác giả.
Với Hải Thượng Lãn Ông, thơ trước hết là để nói lên chí khí của mình, đồng thời ghi lại những cảm xúc chân tình của người thầy thuốc trên những nẻo đường chữa bệnh. Thơ không chỉ là chất xúc tác thi vị cho cuộc sống, mà thơ còn là thuốc chữa bệnh cho tinh thần.
Vốn con nhà trâm anh thế phiệt, từ ông nội, cha, chú, bác, đến anh em của Hải Thượng Lãn Ông có đến 7 người đỗ tiến sĩ và làm quan đại thần thời vua Lê chúa Trịnh, nhưng riêng cậu Chiêu Bảy (tên Hải Thượng Lãn Ông thời trẻ, vì là con thứ 7 của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu) có phần lận đận, dù chăm chỉ sách đèn, muốn làm nên nghiệp lớn để nối nghiệp nhà, nhưng trong khoa thi năm Quý Hợi (1743) ông chỉ đậu Tam trường mà không đỗ đại khoa như người anh cùng cha khác mẹ.
Có lẽ do thời thế nhiễu nhương loạn lạc thời vua Lê chúa Trịnh nên Hải Thượng Lãn Ông không còn tha thiết với việc dùi mài kinh sử đã chuyển hướng học binh thư thuật số rồi tòng quân ra trận, bước đầu lập được nhiều chiến công vang dội nên thống tướng tin tưởng đề bạt. Nhưng có lẽ sớm nhận ra tính phi nghĩa của những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, giữa lúc tiến thoái lưỡng nan, nhận được tin anh trai đang nuôi mẹ già bị bệnh mà mất, Hải Thượng Lãn Ông liền vứt cung cởi giáp về chịu tang anh và phụng dưỡng mẹ già.
Dù đã có một quyết định dứt khoát nhưng chẳng dễ dầu gì hóa giải được cái chí khí tung hoành vẫn nung nấu đeo đẳng trong cõi lòng người tráng sĩ như một bài thơ tác giả đã sáng tác trong giai đoạn này, tạm dịch:
Mười năm mài lưỡi kiếm/ Sắc bén rực hào quang/ Sát khí xông ngưu đẩu/ Hùng uy động tuyết sương/ Vào Tần đã không thể/ Về Hán chẳng kịp xong/ Hải hồ luống trôi dạt/ Tráng chí như điên cuồng.
Một dịp may đến, đó là trận ốm nặng dây dưa đến vài năm khiến Hải Thượng Lãn Ông phải tìm thầy chữa bệnh và qua đó tiếp xúc với vị lương y Trần Độc và nhất là nhờ đọc bộ sách Phùng thị cẩm nang của Phùng Triệu Trương.
Một ngả rẽ bất ngờ mở ra cho cuộc đời Hải Thượng Lãn Ông, dứt bỏ công danh, dốc sức học y để chữa bệnh cứu người, để rồi mấy chục năm sau nhìn lại, vẫn thấy tràn đầy “cảm hứng” như bài thơ (tạm dịch) sau đây:
Hai mấy năm rồi dốc học y
Đêm ngày sách vẫn đọc thường khi
Nắm tay họa phúc càng thêm sợ
Tấc dạ vuông tròn được mấy khi
Trồng hạnh há mong người báo đáp
Bảng treo may gặp kẻ yêu vì
Công danh bệnh trọng dây dưa mãi
Đạo đức chữa mình khỏe tức thì.
Cùng với bộ sách bách khoa toàn thư HTYTTL để lại cho đời, những lời y huấn và những câu thơ thấm đẫm thiền vị của Hải Thượng Lãn Ông cũng là những “phương hay thuốc quý” có công năng trị liệu cho giới thầy thuốc ngày nay:
Xả ngã tư nhân ngoại/ Phù vân tổng thị nhàn
(Quên mình chữa bệnh người ta/ Ngoài ra tất cả đều là mây trôi).
Trường nguyện thế gian nhân bất bệnh/ Ngâm thi chước tửu dã y nhàn
(Mong đời hết kẻ ốm đau/ Tháng ngày thơ túi rượu bầu thảnh thơi)
Y đạo năng cùng lý/ Vong cơ khả định thiền
(Đạo y hiểu thấu tận cùng/ Soi lòng vắng lặng chứng thông cõi thiền).
PHAN LANG