Y tế - Sức khỏe
Ung thư, đột quỵ ngày càng nhiều ở châu Á
Châu Á đang đối diện với tình trạng số lượng người bị chẩn đoán ung thư, cũng như bị đột quỵ và mất trí nhớ ngày càng nhiều. Vladimir Hachinski (Canada), chuyên gia hàng đầu thế giới về đột quỵ và mất trí nhớ, cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng về mối quan hệ giữa ô nhiễm môi trường với đột quỵ bởi nó tấn công vào não, tim và phổi của con người.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, là đáng báo động. Hachinski còn chỉ ra thêm, dân số già như Nhật Bản cũng là điều đáng lo bởi người già rất dễ mắc chứng mất trí nhớ và đột quỵ. Do đó, mức chi tiêu để điều trị bệnh được cho là gánh nặng ngày càng lớn hơn ở châu lục này trong vòng một thập niên nữa.
Mặt trái của sự phát triển kinh tế là sự thay đổi chế độ ăn uống và môi trường đô thị ô nhiễm. Đấy là hai nguyên nhân cốt lõi khiến người dân mắc bệnh nhiều hơn.
Những người già ở Trung Quốc thuộc vào nhóm rất dễ bị mắc bệnh hiểm nghèo. |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết ở Đông Nam Á, do phát hiện và điều trị ung thư quá trễ nên có tới 1,3 triệu người chết vì ung thư mỗi năm. Số liệu thống kê của WHO cho thấy, toàn thế giới có 8,8 triệu người chết vì ung thư mỗi năm thì 2/3 trong số đó nằm ở châu Á và châu Phi.
WHO đưa ra con số tổng quan còn “đáng sợ” hơn nữa: Số người chết vì ung thư, tiểu đường, tim mạch và phổi mãn tính ở châu Á lên tới 40 triệu trên tổng số 56 triệu người chết trên toàn thế giới trong năm 2015, tức chiếm 70%. Nên nhớ rằng dân số châu Á chiếm 61% của thế giới.
Nhóm tư vấn Boston (Mỹ) viết trong báo cáo gần đây rằng: Gánh nặng ung thư ở các nước phát triển đang tiến lên tới mức đại dịch. Trung Quốc báo cáo có thêm 4 triệu ca bị ung thư trong năm 2016 và dự báo chi tiêu chữa bệnh của quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ gần 2.000 tỷ USD, tức tăng gấp 4 lần so với thời điểm này. Ấn Độ có số lượng người chết vì ung thư là 2,5 triệu người và dự kiến sẽ tăng lên gấp 5 lần vào năm 2025.
Giáo sư Gregory Winter chuyên nghiên cứu về kỹ thuật điều trị kháng thể cho một số bệnh thoái hóa và ung thư tại Đại học Cambridge (Anh) nhận định rằng, chi phí thuốc men cho bệnh ung thư quá cao nên phần lớn người dân thế giới khó tiếp cận. Ở Trung Quốc còn có tình trạng bệnh nhân và người nhà chịu không thấu số tiền chi trả cho thuốc men đã phải mua loại thuốc gần giống trôi nổi bên ngoài, nhưng thuốc này thường ít hiệu quả và thậm chí dính phải thuốc giả.
ANH THƯ (Theo WHO)