Y tế - Sức khỏe

BỆNH VIỆN C ĐÀ NẴNG

Triển khai nhiều kỹ thuật mới trong điều trị

07:55, 28/02/2017 (GMT+7)

Từ giữa tháng 1-2017, Bệnh viện C Đà Nẵng đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến, trong đó có những kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

TS - bác sĩ Hoàng Phương (bìa phải) cùng kíp mổ trong một ca phẫu thuật với các thiết bị mới, tiên tiến.
TS - bác sĩ Hoàng Phương (bìa phải) cùng kíp mổ trong một ca phẫu thuật với các thiết bị mới, tiên tiến.

Bệnh viện C Đà Nẵng vừa được trang bị 51 chủng loại thiết bị mới, hiện đại theo chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản. Trong đó, Đơn vị Tim mạch can thiệp thuộc khoa Nội Tim mạch được trang bị hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (tên quốc tế Digital Subtraction Angiography, gọi tắt DSA) và hệ thống máy siêu âm trong lòng mạch (tên quốc tế IntraVascular Ultrasound, gọi tắt IVUS).

Hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền do hãng Siemens (Đức) sản xuất, giá hơn 25 tỷ đồng, là thế hệ máy mới nhất hiện nay. Hệ thống máy siêu âm trong lòng mạch cũng thuộc thế hệ mới nhất do hãng Boston Scientific (Mỹ) sản xuất, giá trên 3 tỷ đồng, được trang bị đầu tiên tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

TS, Bác sĩ Hoàng Phương, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền là một hệ thống sử dụng tia X để chụp hình mạch máu được bơm thuốc cản quang tại vị trí cần chụp, kết hợp với kỹ thuật xử lý xóa mờ hình ảnh nền bằng máy vi tính để làm rõ hệ thống mạch máu, tạo thuận lợi trong thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị bệnh lý mạch máu toàn thân, bệnh lý van tim, bệnh lý cơ tim.

Còn siêu âm trong lòng mạch là kỹ thuật đưa trực tiếp đầu dò siêu âm vào trong lòng mạch máu nhằm khảo sát những tổn thương trong lòng mạch, đánh giá bề mặt mạch máu, xác định thành phần mảng xơ vữa hay huyết khối, đo chính xác đường kính, chiều dài đoạn mạch máu bị tổn thương, diện tích lòng mạch máu bị hẹp, giúp bác sĩ có hướng điều trị và can thiệp chính xác.

Ngoài ra, kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch còn giúp bác sĩ kiểm tra kết quả đặt stent cũng như các biểu hiện biến chứng mạch máu để kịp thời xử lý.

Mặc dù mới đưa hai thiết bị trên vào sử dụng hơn một tháng nhưng Đơn vị Tim mạch can thiệp đã xử lý thành công gần 100 ca bệnh phức tạp, có nguy cơ tử vong cao, không những cứu sống bệnh nhân mà còn điều trị khỏi bệnh rất nhanh.

Đơn cử như bệnh nhân Nguyễn Hồng B. (63 tuổi, quê xã Tân Mỹ Đông, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), vào viện ngày 7-2-2017 với triệu chứng cơn đau thắt ngực không ổn định kèm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

Sau khi hội chẩn, TS, Bác sĩ Hoàng Phương cùng ê-kíp khẩn trương chụp mạch vành (biết được hẹp 70% lòng mạch vành), sau đó thực hiện kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch. Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân bị tổn thương xơ vữa lan tỏa một nhánh động mạch vành với diện tích lòng hẹp có ý nghĩa chỉ còn 2,5mm2.

Từ đó, các bác sĩ quyết định can thiệp đặt một stent tại vị trí hẹp. Sau can thiệp, các bác sĩ tiếp tục siêu âm trong lòng mạch xác định stent đã nở đều và bám sát thành mạch. Bệnh nhân hết đau ngực và xuất viện sau 4 ngày điều trị.

Mới đây, bệnh nhân Nguyễn M. (74 tuổi, ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu) nhập viện trong tình trạng đau ngực trái dữ dội kèm khó thở, nôn mửa liên tục. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy tắc hoàn toàn động mạch liên thất dưới.

Các bác sĩ nhanh chóng thực hiện can thiệp cấp cứu với các phương pháp hút huyết khối, nong bóng, đặt stent, làm tái thông động mạch vành. Bệnh nhân hết hẳn đau ngực, giảm khó thở, huyết động trở về bình thường.

Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và xuất viện. Với trường hợp bệnh nhân này, thời gian cửa bóng (thời gian tính từ lúc nhập viện đến lúc mạch vành được tái thông) chỉ 65 phút (theo tiêu chuẩn quốc tế, thời gian cửa bóng phải đạt dưới 90 phút)...

Được biết, những năm qua, lãnh đạo Bệnh viện C Đà Nẵng đã chủ động đưa một số bác sĩ đi đào tạo ở nước ngoài nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật sử dụng các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại. Trong đó, TS, Bác sĩ Hoàng Phương đã được đào tạo dài hạn tại Pháp, Canada và Nhật Bản.

Bài và ảnh: MINH NGỌC

.