Y tế - Sức khỏe

Phương hay Thuốc quý

Ô rô - cây thuốc kháng sinh

09:06, 26/02/2017 (GMT+7)

Ô rô là cây thuốc kháng sinh mạnh, điều trị cho những người bị thương rất hiệu quả, là cứu tinh cho nhiều thương bệnh binh ở bưng biền trong hai cuộc kháng chiến trước đây.

Ô rô còn có tên Ô rô biển, Ô rô nước, vì cây hay mọc ở vùng ngập nước ven sông, vùng biển nước lợ. Tại Đà Nẵng, chúng tôi đã điều tra phát hiện một quần thể mọc hoang ở hữu ngạn sông Hàn.

Một quần thể Ô rô mọc hoang ở hữu ngạn sông Hàn. Ảnh: P.C.T
Một quần thể Ô rô mọc hoang ở hữu ngạn sông Hàn. Ảnh: P.C.T

Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập II, tr.497) của nhiều tác giả thuộc Viện Dược liệu, Ô rô có tên khoa học Acanthus ilicifolius L.,tên đồng nghĩa Acanthus ebracteatus Vahl., thuộc họ Ô rô - Acanthaceae.

Theo Cây cỏ Việt Nam (Phạm Hoàng Hộ) và Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi) thì có sự phân biệt về mặt thực vật.

Ô rô hay Ô rô nước - Acanthus ilicifolius, là cây thảo cao 0,5-1,5m, thân tròn màu xanh, có nhiều rãnh dọc. Lá mọc đối, sát thân, hầu như không cuống, phiến cứng, mép lượn sóng, có răng cưa không đều và có gai nhọn. Hoa màu xanh lam hay trắng, xếp 4 dãy thành bông. Quả nang dạng bầu dục, màu nâu bóng, có 4 hạt dẹp, có vỏ trắng trắng và xốp. Mùa hoa quả tháng 10-11. 

Còn Ô rô hay Ô rô hoa nhỏ - Acanthus ebracteatus là cây nhỏ cao 1-1,5m, thân tròn, không lông. Lá mọc đối, phiến không lông, mép có răng cứng rất nhọn. Bông ở chót nhánh, mang hoa mọc đối màu trắng, mỗi hoa có một lá bắc nhỏ; tràng có màu trắng, dài đến 2,2cm; nhị 4, có lông ở bao phấn. Quả nang dài 2cm; hột 4, dẹp. Hoa quanh năm, chủ yếu từ mùa xuân đến mùa thu.

Tuy nhiên, cả hai đều được làm thuốc như nhau.

Theo Đông y, rễ Ô rô có vị hơi đắng, tính hàn; có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm và làm long đờm. Cây có vị hơi mặn, tính mát, có tác dụng làm tan máu ứ, tiêu sưng, giảm đau, tiêu đờm, hạ khí. Thường dùng chữa tê thấp nhức mỏi, đau dây thần kinh, ho đàm, hen suyễn, mụn nhọt, trị đái buốt đái rắt, sỏi thận, bệnh đường ruột và giảm sốt; cũng được làm thuốc lợi tiểu trong bệnh viêm gan, xơ gan.

Nước sắc cây Ô rô dùng để rửa vết thương nhiễm khuẩn, còn lá giã đắp. Lá giã ép lấy nước uống hoặc nhai nuốt nước, bã đắp để trị rắn độc cắn. Quả non ăn được. Lá và ngọn Ô rô giã nát, thêm rượu xào nóng, bọc vải chườm các chỗ đau nhức, thấp khớp và đau thần kinh.

Trong các cuộc kháng chiến trước đây, cây Ô rô đã được dùng điều trị cho người bị thương rất hiệu quả. Dựa vào kinh nghiệm này, Xí nghiệp Dược Hậu Giang đã sản xuất viên “KS 84” để chữa các chứng viêm nhiễm thông thường và bệnh đường ruột.

Bài thuốc:

Chữa ho đờm, hen suyễn: Ô rô 30 - 60g, cắt nhỏ, cho 500ml nước, nấu nhỏ lửa với thịt heo nạc 60-120g, cho sôi kỹ đến khi còn 150ml, chia uống 2 lần trong ngày.

Gan lách sưng to: Ô rô nước 30g, Thóc lép 12g, Liên kiều 15g, sắc nước uống.

Tràng nhạc và bệnh hạch bạch huyết: Ô rô 30g, Thóc lép 13g, Mỏ quạ 19g, sắc uống.

Chữa đau gan, nhuận gan, giải độc gan: Ô rô 30g, vỏ thân hay lá Quao 30g, sắc uống. Một số Xí nghiệp Dược ở đồng bằng sông Cửu Long đã sản xuất cao Ô rô – Quao gồm Ô rô 500g phối hợp với vỏ cây Quao nước 500g, sắc 2 nước và cô lại còn 1 lít, cho 400g đường trắng và 40ml rượu có hòa 1g acid benzoic, hòa đều, để nguội đóng chai. Ngày uống hai lần, mỗi lần một thìa canh (15ml).

Chữa thấp khớp, đau lưng, nhức xương, tê bại: Rễ ô rô 30g, Canh châu 20g, rễ cây Kim vàng 8g, Quế chi 4g. Tất cả xắt nhỏ, tẩm rượu, sao vàng, sắc với nước, uống làm hai lần vào lúc đói.

Chữa nước tiểu vàng, táo bón: Rễ Ô rô 30g, Mè đen 20g, lá Muồng trâu 18g. Mè giã nát, hai vị kia cắt nhỏ, sắc uống trong ngày.

Chữa rong huyết: Rễ Ô rô 30g, cắt nhỏ, sao với giấm cho cháy đen, Bồ hoàng 20g sao cháy tồn tính; hoa Kinh giới 18g, sao cháy tồn tính; sắc uống ngày 1 thang. Dùng nhiều ngày.

Chữa ứ huyết: Rễ Ô rô 30g, lá Tràm 20g, sắc uống.

Chữa ho gà: Hoa Ô rô 20g, tẩm mật ong hoặc mật mía rồi sao đến khô. Sắc uống làm hai lần trong ngày.

PHAN CÔNG TUẤN

.