.

Phát huy hiệu quả chữa bệnh bằng Đông y

.

Bệnh nhân vừa được hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng, vừa được nhân viên sắc thuốc nam mang đến tận giường bệnh, hoặc nhận thuốc đã sắc về nhà uống hằng ngày.

Điều trị Đông y tại Bệnh viện Đa khoa Liên Chiểu.
Điều trị Đông y tại Bệnh viện Đa khoa Liên Chiểu.

Bà Dương Thị Mai Trinh (34 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, bà bị đau thần kinh vai gáy dữ dội, không còn khả năng lao động và sinh hoạt bình thường, nhập viện ngày 2-2, được các kỹ thuật viên khoa Đông y - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa Liên Chiểu) điều trị bằng châm cứu, chiếu đèn hồng ngoại và xoa bóp bấm huyệt, nhờ đó các cơn đau giảm nhanh. Bà bình phục và đến ngày 16-2 xuất viện.

Còn bệnh nhân Dương Phú Đức (61 tuổi, ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) bị di chứng tai biến mạch máu não làm yếu nửa người, tê tay chân, miệng méo và nói ngọng, mới vào khoa Đông y - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa Liên Chiểu) điều trị được 7 ngày bằng phương pháp uống thuốc nam, châm cứu và luyện tập phục hồi chức năng, do các kỹ thuật viên hướng dẫn ngay tại giường bệnh. “Mới tập được một tuần nhưng sức khỏe tôi đỡ nhiều, miệng đã trở lại gần bình thường và giọng nói tương đối rõ”, ông Đức chia sẻ.

Đó chỉ là hai trong hàng ngàn trường hợp điều trị đạt hiệu quả cao tại khoa Đông y - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa Liên Chiểu). Khoa có 2 bác sĩ (bác sĩ Lê Thị Lộc và bác sĩ Ngô Văn Khanh), 1 y sĩ, 4 kỹ thuật viên và 1 điều dưỡng viên, hằng ngày khám, điều trị hơn 40 bệnh nhân, cả nội trú lẫn ngoại trú.

Những năm qua, khoa này chuyên điều trị các bệnh đau thần kinh vai gáy, thần kinh tọa, thoái hóa cột sống thắt lưng, liệt chi 7 ngoại biên, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, di chứng tai biến mạch máu não. Người bệnh dù ở nơi đâu khi đến đây đều được đón tiếp và phục vụ tận tình, chu đáo.

Bệnh nhân Lê Thị Lợi (52 tuổi, ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) bộc bạch, bà bị thoái hóa cột sống lưng gây những cơn đau liên tục, từ khi vào đây, được điều trị bằng thuốc nam, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, mới điều trị được 9 ngày nhưng đã giảm đau nhiều. “Các thầy thuốc ở khoa này rất ân cần, niềm nở, chăm sóc bệnh nhân rất tỉ mỉ”, bà Lợi nhấn mạnh.  

Bác sĩ Ngô Văn Khanh cho biết, những bệnh nhân không còn khả năng sinh hoạt thì được điều trị nội trú, hằng ngày có kỹ thuật viên hướng dẫn luyện tập và có nhân viên sắc thuốc nam đem đến cho uống tại giường bệnh. Còn những người bệnh nhẹ thì mỗi ngày đến luyện tập từ 30-45 phút và nhận thuốc thang đem về nhà tự sắc uống theo chỉ dẫn. Nhiều trường hợp còn được nhận thuốc đã sắc mang về nhà uống. Nguồn thuốc nam do Bệnh viện Đa khoa Liên Chiểu hợp đồng Công ty CP Dược - Vật tư Thiết bị y tế Đà Nẵng cung cấp.

Tại các giường bệnh đều có máy chiếu hồng ngoại và máy điện phân loại tốt theo phương châm “giường nào máy ấy”. Các máy điện phân đều được chỉnh cường độ từ 30-40Ampe, trường hợp bệnh nặng mới tăng thêm, nhưng tối đa không quá 60Ampe.

Còn tần số máy điện phân luôn được cài sẵn ở mức từ 50-60Hs. Bác sĩ Lê Thị Lộc cho biết, tất cả máy chiếu hồng ngoại và máy điện phân đều sử dụng được điện nguồn và điện pin, nên những khi điện nguồn bị cúp thì việc điều trị vẫn tiến hành bình thường.

Thực tế những năm qua cho thấy, thời gian điều trị khỏi bệnh cho mỗi bệnh nhân tại khoa Đông y - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa Liên Chiểu) từ 14-21 ngày.

Cùng với đó, khoa Đông y - Phục hồi chức năng còn phối hợp với các khoa khác trong bệnh viện điều trị cho bệnh nhân theo phương thức Đông, Tây y kết hợp. Chương trình này được duy trì thường xuyên, tạo thuận lợi cho bệnh nhân rút ngắn thời gian điều trị và cùng thời gian nằm viện có thể điều trị  được nhiều bệnh.

“Chúng tôi mong có diện tích để làm vườn cây thuốc nam thật rộng ngay trong khuôn viên bệnh viện nhằm tạo thêm nguồn dược tại chỗ, đồng thời dễ dàng hướng dẫn người bệnh trồng và sử dụng thuốc nam để chữa bệnh”, bác sĩ Lê Thị Lộc chia sẻ.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.