Bạn đọc
Tìm đường cho người đi bộ
Hầu khắp các đường phố trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay đều bị lấn chiếm hành lang, vỉa hè. Lối đi dành riêng cho người đi bộ bị chiếm dụng một cách vô tội vạ. Mặc dù thành phố đã có các văn bản, quyết định quy định về việc cho thuê sử dụng vỉa hè có thời hạn rất cụ thể, trong đó quy định rõ ràng mỗi vỉa hè, hẹp nhất từ 3m trở lên luôn phải bảo đảm tối thiểu 1,5m vỉa hè dành cho người đi bộ. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, đa số các tuyến đường cho phép hoặc không cho phép đều bị chiếm dụng, người đi bộ đều phải đi xuống lòng đường dành cho xe cơ giới.
Vỉa hè bị chiếm dụng. (Ảnh chụp tại đường Lê Duẩn) |
Theo quy định của thành phố trong Quyết định số 36/2006/QĐ-UBND “quy định vỉa hè có bề rộng từ 3m đến dưới 4,5m sẽ dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ; phần còn lại cho phép sử dụng tạm thời để mô-tô, xe gắn máy, xe đạp. Vỉa hè có bề rộng từ 4,5m đến dưới 6m sẽ dành 2m cho người đi bộ, 2m dành để mô-tô, xe gắn máy, xe đạp, phần còn lại có thể sử dụng để kinh doanh.
Vỉa hè từ 6m trở lên thì dành 3m cho người đi bộ, phần còn lại để xe gắn máy, xe đạp và ưu tiên cho các hoạt động khác”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các tuyến đường dù nằm trong hay ngoài những quy định ấy đều bị lấn chiếm vỉa hè, có nơi xe cộ, các cửa hàng buôn bán lấn hẳn ra sát mép đường làm cho hành lang của người đi bộ không còn một phân đường.
Các hè phố bị chiếm dụng chủ yếu làm nơi buôn bán, để xe máy và lấn ra sát cả lòng đường. Trên các tuyến đường Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Điện Biên Phủ, Hà Huy Tập, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng… các hè phố đều bị lấn chiếm gần như hết vỉa hè dành cho người đi bộ, trở thành các hàng quán bán đồ ăn, đặt bàn nhậu, quán cà-phê hoặc rất nhiều loại hình dịch vụ, hoạt động tấp nập hằng ngày. Cùng với đó, những người bán mũ bảo hiểm, kính mát, áo quần di động, các chợ tự mọc ven đường, có khi lấn ra cả lòng đường cũng là tác nhân góp một phần không nhỏ trong việc đẩy người đi bộ trên vỉa hè xuống lòng đường.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè không chỉ làm mất đi vẻ mỹ quan đô thị, chiếm mất lối đi của người đi bộ mà còn làm cho tình hình an toàn giao thông trở nên hỗn tạp hơn do người đi bộ phải xuống lòng đường “giành đường” với xe cộ. Đã có không ít trường hợp tai nạn xảy ra do người đi bộ “lấn đường” xe cộ. Bên cạnh đó, không chỉ là hè phố mà ngay cả các trạm chờ xe buýt cũng bị lấn chiếm một cách ngang nhiên. Một người dân trên đường Phan Thanh than thở, hằng ngày trên cung đường được mệnh danh là con đường hoa sữa của thành phố này, vỉa hè bị lấn chiếm một cách… triệt để. Các hàng ăn, quán cà-phê mọc lên dày đặc. Không chỉ thế, do vỉa hè hẹp, việc khách hàng vào quán đã để xe tràn ra cả dưới lòng đường, xe cộ lưu thông trên đoạn đường này cũng đã khó, huống chi là người đi bộ.
Thời gian gần đây, các quận đã ra quân mạnh mẽ để “dọn sạch vỉa hè”. Tuy nhiên, do ý thức người dân chưa cao nên các đợt ra quân lập lại trật tự hè phố cũng giống như “nước đổ lá môn”. Một câu hỏi đặt ra, bao giờ hành lang dành cho người đi bộ được trả lại? Chúng ta rất cần một chế tài mạnh để lập lại trật tự vỉa hè, bảo đảm cho người đi bộ không bị “đẩy xuống đường”.
Bài và ảnh: Trọng Huy