.

Chật vật phòng trọ mùa mưa

.

Đà Nẵng hiện có gần 80.000 sinh viên (SV) theo học tại các trường ĐH, CĐ; hơn 60.000 học sinh học tại các trường TCCN và công nhân kỹ thuật trên địa bàn thành phố. Nhu cầu về nhà ở cho SV ngoại tỉnh lưu trú để học tập rất lớn. Bên cạnh số ít ỏi phòng ký túc xá của các trường, để đáp ứng nhu cầu trọ học, hàng loạt các phòng trọ tư nhân mọc lên.

Phòng trọ khu vực Chơn Tâm, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) ngập úng vào mùa mưa.
Phòng trọ khu vực Chơn Tâm, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) ngập úng vào mùa mưa.

Thực tế, hiện không có cơ quan chức năng nào quản lý về chất lượng phòng trọ, có chăng chỉ là quản lý về nhân khẩu, những vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự khu dân cư. Vì vậy, các chủ phòng trọ trong quá trình xây dựng chẳng mấy quan tâm đến chất lượng công trình. Khi vào ở, trải qua mưa nắng, người thuê trọ mới cảm nhận rõ những hệ lụy từ việc chất lượng công trình bị xem nhẹ. Nguyễn Trọng Yến (SV Trường ĐH Bách khoa) chia sẻ: “Ban đầu vào nhập học cốt sao tìm được phòng để ở, ổn định để lo học hành. Nhưng đến mùa mưa, nước bao quanh dãy trọ, ngập tràn hết vào các phòng, sách vở, đồ dùng bị hơi nước ủ lâu ngày thành mục nát; chưa kể áo quần, đồ sinh hoạt cá nhân… đều chung tình trạng ẩm ướt kéo dài suốt mùa mưa”.

Khu nhà trọ ở tổ 22, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) nằm khuất sau Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, là nơi có rất đông SV theo học các trường ĐH, CĐ quanh khu vực (chủ yếu là Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) lưu trú. Khu vực này bị ngập úng kéo dài từ nhiều năm nay. Chuyện lội nước đi học trong mùa mưa, bàn tủ, giường kệ trở thành nơi kê đồ, nền phòng trọ nước bì bõm là hình ảnh quen thuộc của các dãy phòng trọ. “Vào mùa mưa, các chủ nhà trọ nâng nền, cải tạo phòng trọ nhưng cũng chỉ làm cho có để lấy cớ… tăng giá phòng”, Thông (SV Trường ĐH Sư phạm) cho biết. Một số SV thuê trọ ở khu vực quanh Trường ĐH Bách khoa tâm sự: “Năm ngoái, giá thuê nhà trọ chỉ xấp xỉ 450.000-500.000 đồng, năm nay đều đồng loạt tăng lên 600.000 đồng, chưa kể tiền điện, tiền nước đều phải trả theo kiểu “dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu”. Nói là dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu thế thôi, chứ các chủ trọ đều tự ý nâng giá điện sinh hoạt lên vượt mức quy định của ngành điện”, Thông cho biết.

Một chủ nhà trọ lý giải: “Trong khi giá xăng, điện, gas đều tăng, đồng loạt kéo theo giá các mặt hàng sinh hoạt cũng tăng lên. Đầu năm học phải sơn sửa, cải tạo lại phòng cho các cháu vào học, giá vật liệu cao nên buộc phải tăng giá phòng”. Văn Phương (SV Trường ĐH Sư phạm) cho biết: Vào ở ký túc xá phải là SV thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách, vùng sâu vùng xa. Còn thuê trọ ở gần trường thì mùa mưa, nước ngập, ghẻ ngứa cứ thế “tấn công” hết các ngón chân, bàn chân. Nấu ăn cũng rất cực vì châm mãi chẳng đỏ lửa, rồi lo sợ điện sinh hoạt bị nhiễm nước. Còn mùa nắng thì nóng như lò nấu bánh mì…

Nên chăng cần có cơ quan chức năng quản lý về mặt chất lượng công trình các khu nhà trọ, vừa bảo đảm cuộc sống cho SV yên tâm học hành, vừa ổn định trong quy hoạch xây dựng, tạo nét đẹp trong cấu trúc quy hoạch chung của thành phố.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.