.

Xóm Mồ côi: Khổ vì dự án - Bài cuối: Chuyện sổ đỏ

.

Trong 47 hộ dân ở tổ 9A, phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), mới có 7 hộ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở (gọi tắt là sổ đỏ). Hệ lụy từ việc không có sổ đỏ là rất lớn. Sau khi công bố quy hoạch từ năm 2010, việc người dân được cấp sổ đỏ càng trở nên xa vời.

Xóm Mồ côi trong mùa nước nổi.
Xóm Mồ côi trong mùa nước nổi.

Ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ lý giải, từ sau năm 1975, xóm Mồ côi có rất ít người ở, chỉ rải rác vài ba hộ dân. Mãi đến những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, người dân mới dần dần về ở lại đông đúc hơn. Người dân trong xóm phần lớn nghèo khó, quanh năm làm ruộng nên vấn đề xin cấp sổ đỏ cũng ít ai nghĩ tới, chỉ những ai khá giả, quan tâm đến nhà cửa thì mới xin cấp. “Sau năm 2010, khi công bố quy hoạch, việc cấp sổ đỏ cho người dân trở nên khó khăn, thậm chí là rất khó. Việc không có sổ đỏ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân khi có liên quan đến quy hoạch, giải tỏa, vay vốn làm ăn. Dù là đất đời ông, đời cha để lại, nhưng không có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ đất đai thì giá đền bù cũng không thể vượt quá 100.000 đồng/m2 theo giá đất nông nghiệp và đền bù công bồi trúc đất”, ông Nghĩa nói.

Bà Lê Thị Liên sống lâu năm tại tổ 9A, có diện tích đất vườn hơn 1.300m2. Bà có ý định xin cấp sổ đỏ, nhưng nghe bảo chỉ cấp cho diện tích khoảng 150m2 nên bà bỏ, không làm sổ nữa. Đến nay, do không có sổ đỏ, bà gặp khó khăn trong vay vốn để mở rộng chuồng trại chăn nuôi, phát triển đàn nhím. “Sắp tới, tôi lại xin cấp sổ, để còn làm “sổ con” chia cho các con đã đến tuổi trưởng thành. Nhưng nghe bảo trong vùng quy hoạch dự án nên khó được cấp lắm”, bà Liên tâm sự.

Không như bà Liên, hộ ông Nguyễn Văn Lý được cấp sổ đỏ với diện tích 700m2, nhưng ngặt nỗi nhà ông lại là một trong 5 nhà tiêu biểu được chọn để trùng tu, tôn tạo nằm trong Dự án trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử - Làng văn hóa K20. Ông muốn chia mảnh vườn cho 6 người con của mình thành 6 mảnh và xây dựng nhà cửa cho các con ngay trên chính mảnh đất thuộc quyền sở hữu của mình. Song, vì vướng quy hoạch, nhà ông trong diện được trùng tu nên buộc phải giữ nguyên hiện trạng. Ông Lý là chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công anh hùng 489, năm nay đã 80 tuổi, ở nhà chăm nom người vợ già 78 tuổi bệnh tật. Các con đã lớn, đi làm nhưng đều về ở nhà bố mẹ, dù chật chội nhưng cũng đành chấp nhận.

Ông Lý 80 tuổi, chăm sóc vợ 78 tuổi bệnh tật.
Ông Lý 80 tuổi, chăm sóc vợ 78 tuổi bệnh tật.

Ông Huỳnh Cự, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn khẳng định, sẽ tạo điều kiện hết sức đối với người dân, có ý kiến xác đáng lên Sở Tài nguyên - Môi trường để người dân được cấp sổ đỏ nếu có nhu cầu. Trong khi đó, ông Lê Tấn Nghĩa mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện hết sức và ủng hộ người dân xin cấp sổ đỏ, thiết tha đề nghị quận có kiến nghị lên các cấp cao hơn. Tuy nhiên, khi được hỏi lại, các ông này đều công nhận khó khăn cũng bởi… vướng quy hoạch.

Rời tổ 9A, con đường bê-tông chạy trước xóm bị nước ngâm từ đợt mưa trước đến nay vẫn ngập lút mắt cá chân người, tôi không hết những nỗi băn khoăn, khắc khoải như chính cái tên gọi xóm Mồ côi.

Dự án Khu di tích lịch sử - Làng văn hóa K20 được UBND thành phố phê duyệt theo Quyết định số 1171/QĐ-UBND ngày 9-2-2011 và Quyết định số 9008/QĐ-UBND ngày 18-10-2011 của Chủ tịch UBND thành phố, tổng mức đầu tư trên 36 tỷ đồng. Dự án do Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư, 50% vốn ngân sách Trung ương và 50% vốn ngân sách thành phố. Dự án sẽ được tiến hành theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự án được thực hiện trong 2 năm 2011-2012 đầu tư cho các hạng mục trùng tu, tôn tạo các di tích; xây dựng nhà truyền thống, đài tưởng niệm, cổng làng; mở đường giao thông rộng 10,5 mét. Giai đoạn 2 thực hiện trong năm 2013 với việc hoàn thiện hạ tầng, tôn tạo tu bổ các di tích của nhân dân như nhà ở, nhà thờ, hầm bí mật.   

Bài và ảnh: TRỌNG HUY
 

;
.
.
.
.
.