Nhiều sinh viên có hộ khẩu Đà Nẵng đang theo học tại các trường ĐH, CĐ trên cả nước với ngành, nghề được nhà trường xác nhận là độc hại bày tỏ bức xúc vì không được các quận, huyện của thành phố chi trả hỗ trợ 70% học phí theo quy định. Trong khi đó, sinh viên có hộ khẩu tại một số tỉnh, thành phố khác vẫn được nhận khoản hỗ trợ này.
Một trường ĐH xác nhận ngành Cử nhân Quản lý môi trường là ngành, nghề độc hại và đề nghị giải quyết tiền hỗ trợ giảm học phí cho sinh viên. |
Theo Nghị định số 49 của Chính phủ, học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được giảm 70% học phí từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
Còn theo Thông tư liên tịch số 29 của liên Bộ: GD-ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH về hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định trên, dựa vào danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB&XH ban hành vào các năm 1995, 1996, 1999, 2000, 2003, các trường có trách nhiệm xác nhận cho sinh viên thuộc đối tượng giảm học phí vào mẫu đơn xin giảm học phí để sinh viên nộp về Phòng LĐ-TB&XH cấp quận, huyện, làm căn cứ chi trả tiền hỗ trợ giảm học phí (70%) từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện của thành phố tạm dừng chi trả tiền giảm 70% học phí cho sinh viên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại kể từ tháng 12-2012 theo sự chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho hay: “Thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều đơn xin miễn giảm học phí của sinh viên có xác nhận của nhà trường là học liên quan đến ngành, nghề nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu với 6 quyết định ban hành danh mục ngành, nghề nặng nhọc, độc hại của Bộ LĐ-TB&XH thì không có ngành, nghề nào trùng tên với ngành, nghề nặng nhọc, độc hại theo quy định. Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn rõ thêm về việc học các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại để có cơ sở triển khai thực hiện, nhưng Bộ chưa trả lời. Trong thời gian chờ đợi hướng dẫn, quy định rõ ràng hơn từ Bộ, chúng tôi quyết định tạm dừng việc chi trả này”.
Ông Nguyễn Văn An giải thích thêm: “Rất nhiều sinh viên học các ngành như: cử nhân Hóa dược, sư phạm Hóa học, cử nhân Quản lý môi trường… được nhà trường xác nhận là học ngành, nghề liên quan đến độc hại và kiến nghị ngành LĐ-TB&XH chi trả tiền hỗ trợ giảm 70% học phí. Nhà trường còn nói rõ đặc điểm và điều kiện học tập ngành, nghề cử nhân Hóa dược làm việc trong phòng kín, ảnh hưởng của điện từ trường cao, tiếp xúc với hóa chất độc, điện áp cao và các vi sinh gây bệnh. Còn đối với cử nhân Quản lý môi trường (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng), khi thực hành tại các phòng thí nghiệm, thường xuyên tiếp xúc với bụi, hóa chất và dung môi hữu cơ độc hại, nồng độ cao như: H2SO4, NH3, asen, axento, toluen, benzen, clo… Nhưng nhà trường không nói rõ số tiết học thực hành nói trên chiếm thời lượng bao nhiêu so với học lý thuyết và sinh viên còn phải học nhiều môn bắt buộc khác nữa, chứ không dành toàn thời gian thực hành ở phòng thí nghiệm và thực tế. Chúng tôi cũng hỏi Bộ LĐ-TB&XH rằng, 2 ngành học nói trên có thuộc ngành, nghề độc hại và được chi trả giảm 70% học phí không, nhưng Bộ chưa có văn bản trả lời hoặc hướng dẫn cụ thể”.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP