Báo Đà Nẵng nhận được đơn kiến nghị của tập thể người lao động làm việc tại Công ty TNHH MTV đóng tàu Đà Nẵng (Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng cũ) về việc chậm chi trả tiền thôi việc của họ khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Ông Nguyễn Tấn Quảng làm việc cho Vinashin 26 năm 4 tháng, nay bị chấm dứt hợp đồng, trình bày khúc mắc tại Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng sáng 3-4-2013. |
Tháng 7-2008, UBND thành phố Đà Nẵng có Công văn số 4241 về việc quy hoạch Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng; thanh kiểm tra, xử lý các công trình đã được xây dựng tại khu đô thị Vịnh Mân Quang (trong đó có Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng); yêu cầu Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng chấm dứt việc xây dựng và có kế hoạch chuyển đổi diện tích đất do nhà máy sở hữu sang xây dựng các dự án dịch vụ du lịch.
Ngày 10-2-2010, UBND thành phố có Quyết định số 1268 về việc thu hồi đất, giao cho Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng quản lý, lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước. Theo đó, thu hồi 926.181m2 (Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng thuê 32ha trong tổng diện tích thu hồi - PV), bàn giao toàn bộ diện tích này cho Công ty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước, giá trị hợp đồng tiền sử dụng đất 242,7 tỷ đồng.
Sau Công văn số 4241, toàn thể công nhân Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng bị ngừng việc. Đến tháng 5-2011, nhà máy đơn phương chấm dứt hợp đồng với gần 300 công nhân.
Trước khi cho người lao động nghỉ việc vào tháng 5-2011, Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng đã chi trả đầy đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, đối với khoản lương ngừng việc từ tháng 2-2010 đến hết tháng 7-2010, theo lý giải của đại diện nhà máy, căn cứ Điều 33, Quyết định số 36 của UBND thành phố Đà Nẵng ngày 24-12-2009, khi bị thu hồi đất, người lao động được bồi thường trong thời gian ngừng sản xuất kinh doanh, mức bồi thường bằng 70% mức lương tham gia đóng bảo hiểm xã hội, thời gian bồi thường tối đa không quá 6 tháng. Theo thỏa thuận, phía đơn vị được cấp mới đất là Công ty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước có trách nhiệm chi trả khoản tiền hỗ trợ trên. Tháng 1-2012, sau khi có quyết định bàn giao mặt bằng, Công ty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước tiến hành chi trả 40% trong 70% x 6 tháng mà người lao động được hưởng. Như vậy, vẫn còn 60% tiền hỗ trợ chưa được chi trả.
Ông Nhân Đức Dũng có 26 năm làm việc cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nay bị chấm dứt hợp đồng, đời sống gặp nhiều khó khăn. “Hiện tôi đang ở tạm nhà bên vợ, không tìm được việc làm, chỉ trông chờ vào gánh hàng rong của vợ mỗi ngày”, ông Dũng cho biết.
Đó cũng là tình cảnh chung của hàng trăm người lao động làm việc cho Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng bị chấm dứt HĐLĐ. Theo ông Hoàng Việt Văn, Giám đốc nhà máy này, toàn bộ tài sản đã bị Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng phong tỏa, nhà máy không còn năng lực sản xuất, tài khoản nhà máy cũng bị khóa. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Tập đoàn Vinashin, mong hỗ trợ kịp thời để chi trả cho người lao động, bảo đảm đời sống của họ, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi nào”, ông Văn nói.
Theo đại diện Công ty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước, sẽ chi trả 60% số tiền hỗ trợ còn lại cho người lao động khi nhận mặt bằng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đại diện Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng không có câu trả lời khi được hỏi lý do chậm bàn giao mặt bằng.
Hơn hai năm qua, hàng trăm người lao động là cựu công nhân Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng rơi vào cảnh lao đao do thất nghiệp. Mặc dù các cơ quan chức năng từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần có văn bản đề nghị Vinashin thực hiện hợp đồng và bàn giao mặt bằng do Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng thuê trước đó, nhưng quá trình bàn giao mặt bằng vẫn chưa có hồi kết.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY