Trên tuyến đường ĐT601, đoạn từ xã Hòa Sơn đến thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) dài khoảng 10km, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khá lớn nhưng có đến 12 cây cầu không có lan can hoặc hộ lan bảo vệ.
Cầu Cẩm Tọa (ở Km 2+713) dài 12m nhưng không có lan can bảo vệ. |
Mặc dù hai bên đường dẫn lên các cây cầu này đều có một số cọc tiêu cảnh báo và hai bên thành cầu được gắn các ụ bê-tông cao khoảng 20cm để ngăn các phương tiện giao thông lao xuống cầu nhưng việc không có lan can bảo vệ và tình trạng xuống cấp của các cọc tiêu, biển báo hoặc bị cây cối, cỏ tranh che khuất, khiến người tham gia giao thông không ngớt nỗi lo bị tai nạn. Cầu Cẩm Tọa ở Km2+713 thuộc xã Hòa Liên, cầu dài 12m và có lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc nhưng không có lan can bảo vệ, trong khi hai hàng cọc tiêu và cả biển báo cầu đều bị khuất lấp trong cỏ và cây cối. Theo người dân trong khu vực, một số vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, làm người đi đường rơi xuống cầu. Cứ vào buổi chiều có một số người đến câu cá và thu hút nhiều người, học sinh đứng hai bên thành cầu không lan can để xem, rất nguy hiểm.
Trong khi đó, 2 cây cầu ở Km0+900 (cách nhau 10m, cùng dài 2m) không những không có lan can bảo vệ mà còn không có các ụ bê-tông bảo vệ gắn hai bên thành cầu, các cọc tiêu cảnh báo thì bị khuất lấp trong cỏ. Cầu ở Km7+400 dài 3,7m đã bị mất một hàng cọc tiêu cảnh báo từ lâu. Hai cây cầu ở Km9+950 (dài 3 và 4m) thường xuyên có lũ từ trên sườn núi chảy tràn lên mặt đường thoát ra sông Cu Đê nhưng hai hàng cọc tiêu bị xuống cấp, hư hỏng nặng, có cọc đã bị gãy gập và nhiều cọc khác xiêu vẹo, lòi ruột sắt.
Một số cây cầu khác nằm ở khu vực sạt lở, nước lũ chảy tràn lên đường và gần các trường học (Trường THCS Nguyễn Tri Phương), khu dân cư đông đúc. Việc không có lan can bảo vệ cầu khiến người đi đường, học sinh không nhận rõ đâu là đường, đâu là cầu, dễ bị ngã và nước lũ cuốn trôi ra sông Cu Đê cách đó không xa, thậm chí chỉ cách sông vài bước chân. Nguy hiểm nhất là tại đoạn sạt lở bờ sông Cu Đê ở Km8+650, mặc dù đã được khắc phục hư hỏng mặt đường, nhưng việc đường bị hẹp và chỉ có vài cọc tiêu cảnh báo với khoảng cách giữa các cọc lên tới 3m cũng đủ làm run tay người điều khiển phương tiện giao thông khi đi ngang qua đây, bởi nếu ngộ nhỡ xảy ra việc gì sẽ rất dễ bị rơi tõm xuống sông sâu, cần phải được lắp đặt lan can hoặc hộ lan bảo vệ đoạn đường sạt lở này.
Ông Lê Khánh, Giám đốc Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng, cho hay: “Nhiều cây cầu trên tuyến đường ĐT601 được thiết kế là cầu tràn để nước lũ tràn qua, chảy vào sông Cu Đê, nên nếu lắp đặt lan can thì nước lũ chảy mạnh sẽ hư hỏng hết. Từ khi công ty được giao quản lý tuyến đường ĐT601 thì hiện trạng các cây cầu đã như vậy rồi; công ty chỉ bảo trì, sửa chữa những hư hỏng thôi. Việc thay đổi thiết kế, lắp đặt lan can cho cầu cần có ý kiến, chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải”.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP