Báo Đà Nẵng nhận được đơn của ông Lê Tất Thanh (trú tổ 10, phường Tân Chính, quận Thanh Khê) với nội dung UBND phường Tân Chính buộc cưỡng chế, tháo dỡ tường nhà ông sai quy định pháp luật.
Nhà mới xây và ban công vi phạm (trái), khoảng trống ở giữa có diện tích 5m2 - phần đất ông Thanh thụt vào theo quy định và bức tường cũ tồn tại từ năm 1960 (phải) đến nay. |
Nhà ông Thanh có chiều ngang 5m, dài 6m, diện tích sử dụng 30m2, được xây dựng từ năm 1960 và tồn tại đến nay (một tầng). Sau khi có đơn xin phép xây dựng, mở rộng diện tích sử dụng nâng thêm một tầng, ngày 11-1-2013, UBND quận Thanh Khê cấp Giấy phép xây dựng số 13 cho ông. Theo đó, gia đình ông Thanh đã xây dựng và lùi vào 1m trong phần đất thuộc quyền sở hữu của gia đình ông (5m2). Trong quá trình xây dựng, ông tự ý làm ban công (mái che) trên cửa chính vào nhà, dài 4m, rộng 0,5m. Hạng mục này sai so với giấy phép xây dựng. UBND quận Thanh Khê đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Thanh về vi phạm trên, mức phạt 7,5 triệu đồng và ông đã chấp hành nộp phạt.
Sau đó, ông Thanh có đơn gửi UBND quận Thanh Khê xin giữ lại mái che ban công trên, hứa sẽ hoàn trả mặt bằng và không đòi đền bù khi thành phố có quy hoạch giải tỏa đường kiệt, hẻm. Tuy nhiên, trong đơn phản ánh, ông Thanh thắc mắc vì sao UBND phường Tân Chính yêu cầu ông phải tháo dỡ bức tường cũ sau khi xây dựng nhà mới và “giải tỏa trắng” 5m2 đất thuộc quyền sở hữu của ông.
Qua tìm hiểu, việc ông Thanh xây dựng nhà mới buộc phải lùi diện tích xây dựng vào 1m trong phần đất thuộc quyền sở hữu của ông theo giấy phép là do UBND quận Thanh Khê trong quá trình cấp phép, thực hiện theo Quyết định số 1638 ngày 10-3-2010 của UBND thành phố về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xác định lộ giới và các quy định về xây dựng tại các đường kiệt quận Thanh Khê. Tuy nhiên, phần đất 5m2 vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Thanh và không ai có quyền xâm phạm khi chưa có cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi để mở rộng đường kiệt theo quy hoạch chung. Việc UBND phường Tân Chính “đòi giải tỏa trắng” để mở rộng đường kiệt, “tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân trong đường kiệt” như lời bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch UBND phường Tân Chính liệu đã đủ căn cứ?
Trao đổi với bà Vân, được biết việc thực hiện lấy ý kiến nhân dân trong khu dân cư để tìm hướng giải quyết cho ông Thanh có được tồn tại ban công hay không là do UBND quận chỉ đạo. Ngày 26-4, UBND phường và các ban, ngành liên quan tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân trong khu vực. Văn bản cuộc họp kết luận, chỉ ra 4 điểm ông Thanh phải thực hiện nếu muốn tồn tại ban công, trong đó nhấn mạnh việc không cho phép tồn tại bức tường cũ (hoặc xây mới) trên phần diện tích thuộc quyền sở hữu của ông để làm tường rào; không cho ông Thanh nâng nền nhà lên cao hơn đường kiệt vì “ảnh hưởng đến giao thông đi lại, gây vấp ngã cho người dân trong đường kiệt”. Theo kết luận này, UBND phường sẽ giám sát việc thực hiện của ông Thanh và “không nhân nhượng trước việc làm cố chấp của ông Thanh” (?!).
Khi được hỏi, sắp tới UBND phường tiến hành tháo dỡ tường cũ của ông Thanh là đúng hay sai, bà Bích Vân cho rằng quyền hạn của UBND phường chỉ thực hiện các vấn đề tường rào, cổng ngõ, vận động để người dân có lối đi thuận lợi. UBND phường thực hiện giám sát theo hồ sơ thiết kế đã được UBND quận cấp phép. Tuy nhiên, bà Vân lại nhấn mạnh: “Việc làm của ông Thanh (muốn xây lại tường rào thay thế tường cũ - PV) là đúng hay sai thì phải căn cứ vào tình hình thực tế đường kiệt nơi gia đình ông Thanh đang sống” (?!).
Ông Phan Quang Khường, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường và ông Bùi Văn Thạch, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thanh Khê, đều cho biết không cho phép ông Thanh xây mới tường rào theo quy định, nhưng cũng không có quyền “giải tỏa trắng” bức tường cũ và 5m2 phần ông Thanh lùi vào để biến thành đường kiệt khi chưa có chủ trương chung về mở rộng đường kiệt.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY