.

Một số lưu ý về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

LTS: Ngày 18 tháng 6 năm 2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 5 năm 2013.  Luật này quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Báo Đà Nẵng giới thiệu một số nội dung cụ thể của Luật về quảng cáo, ghi nhãn, kinh doanh, đóng gói...  sản phẩm thuốc lá mà các doanh nghiệp trong ngành thuốc lá cần lưu tâm:

Về hoạt động quảng cáo, tài trợ

Luật nghiêm cấm quảng cáo khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Luật cũng nghiêm cấm tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá chỉ được tài trợ nhân đạo cho chương trình xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; phòng, chống buôn lậu thuốc lá và không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ đó.

Về ghi nhãn

Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải ghi nhãn bằng tiếng Việt. In cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh, phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá. Nội dung cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe và thông điệp thích hợp khác, phải được thay đổi theo định kỳ hai năm một lần. Việc ghi nhãn trên bao bì thuốc lá xuất khẩu được thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Không được sử dụng từ, cụm từ làm người đọc, người sử dụng hiểu thuốc lá là ít có hại hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khỏe con người. Bao bì sản phẩm phải có các thông tin về số lượng và trọng lượng của thuốc lá điếu/các sản phẩm thuốc lá khác. Chính phủ quy định cụ thể mức tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe phù hợp với từng thời kỳ.

 Về quy định sản xuất kinh doanh thuốc lá

Tổ chức, cá nhân mua bán, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá; sản xuất, mua bán, nhập khẩu thuốc lá phải có giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Các sản phẩm thuốc lá được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Về số lượng điếu thuốc lá trong bao, gói

Sau 3 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, số lượng điếu thuốc lá đóng gói trong 1 bao thuốc lá không được ít hơn 20 điếu, trừ thuốc lá xì gà và thuốc lá được sản xuất để xuất khẩu.

Về bán thuốc lá

Các nhà bán sỉ và bán lẻ phải có giấy phép kinh doanh sản phẩm thuốc lá.

Doanh nghiệp, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ; người chịu trách nhiệm tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.

Về trích nộp Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá

Cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá sẽ phải trích nộp vào Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá. Khoản đóng góp bắt buộc này được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình:

+ Từ ngày 1 tháng 5 năm 2013: 1%

+  Từ ngày 1 tháng 5 năm 2016: 1,5%

+  Từ ngày 1 tháng 5 năm 2019: 2%

Khoản đóng góp bắt buộc được khai, nộp cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tự khai, tự tính, tự nộp vào tài khoản của Quỹ.

Ngoài ra Luật cũng quy định: Bao, tút hộp thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam theo quy định tương ứng của pháp luật về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trước ngày Luật này có hiệu lực sẽ không được sử dụng sau 6 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

T.L.S.T

;
.
.
.
.
.