Vừa qua tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu hải sản tổ chức hội thảo “Nghiên cứu xây dựng mô hình dịch vụ hậu cần cho nghề khai thác hải sản xa bờ ở vùng biển miền Trung”. Có nhiều ý kiến trái chiều của các chủ tàu cá, đại diện chi cục thủy sản các tỉnh, thành phố được đưa ra tại hội thảo, trong đó tập trung những ưu, nhược điểm của các mô hình đã và đang được triển khai hiện nay.
Cá về bến. |
Cần thiết
Theo ông Phạm Huy Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản, việc hình thành và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá là rất cần thiết. “Ngư trường miền Trung đa dạng và phức tạp, các tàu cá chủ yếu đánh bắt hải sản sinh sống ở bề mặt nên phạm vi hoạt động khá rộng, trải dài trên hàng trăm hải lý. Dịch vụ hậu cần giúp ngư dân giảm được chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thời gian đánh bắt trên biển cũng như góp phần giữ vững an ninh biển đảo”, ông Sơn nói.
Hiện ở khu vực miền Trung đã hình thành một số dạng dịch vụ hậu cần trên tinh thần tự nguyện của các tàu cá tham gia đánh bắt hải sản trên biển. Theo bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, hiện nay tại địa phương có tới 240 mô hình tổ đội sản xuất trên biển, thu hút 800 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân địa phương tham gia. Khi ra khơi, các tàu cá phân ra từng khu vực để tìm kiếm ngư trường khai thác, nếu gặp ngư trường tốt sẽ thông báo qua bộ đàm cho các tàu trong tổ đội cùng đến khai thác.
Trong những năm gần đây, ngoài mô hình tổ đội sản xuất trên biển, dịch vụ hậu cần theo mô hình tàu mẹ - con cũng phát triển mạnh. Điển hình là đội tàu dịch vụ hậu cần của ngư dân Lê Văn Sang (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) với tàu “mẹ” được thiết kế công suất 1.200CV, tốc độ đạt từ 7-11 hải lý/giờ, có thể phục vụ nhu cầu cho hơn 20 tàu cá của ngư dân đang đánh bắt trên biển. “Đối với tàu cá hành nghề lưới vây cách đất liền khoảng 90 hải lý, chúng tôi có thể chạy ra thu mua, cung cấp nhiên liệu trong vòng hai ngày. Điều này sẽ bảo đảm nguồn hải sản được tươi sống, chất lượng khi bán ra thị trường, ngoài ra các tàu cá cũng có thêm thời gian đánh bắt trên biển”, thuyền trưởng Lê Văn Sang cho biết.
Nhiều băn khoăn
Ông Võ Khắc Én, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết địa phương này từng thất bại về mô hình tàu dịch vụ hậu cần. Theo ông Én, mặc dù mô hình tàu mẹ - con hiệu quả nhưng đòi hỏi ngư dân phải có nguồn vốn lớn mới đáp ứng được nhu cầu trang bị tàu, thu mua, trao đổi hải sản. Trong khi đó, hiện nay Nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ riêng đối với các chủ tàu làm dịch vụ hậu cần. Ngoài ra, niềm tin của các tàu thành viên trong vấn đề định giá sản phẩm là điều rất quan trọng và cần thiết. “Nên thành lập hội đồng thẩm định giá sản phẩm. Các tàu thành viên không thể yên tâm tiếp tục đánh bắt nếu họ cứ nghĩ thành quả của mình đã bị chủ tàu vận chuyển sản phẩm vào bờ bán với giá thấp hơn thị trường hoặc bớt xén bỏ túi riêng”, ông Én phân tích.
Tương tự, bà Mai Kim Thi cũng cho biết: “Việc xây dựng các tổ đội sản xuất trên biển hiện nay được tổ chức thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong cuốn sổ tay xây dựng tổ đội hợp tác của Tổng cục Thủy sản chứ chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về vấn đề này. Ngư dân tham gia trên tinh thần tự nguyện, hoàn toàn không có ràng buộc về tính pháp lý nên cũng rất dễ rút bỏ khỏi tổ đội nếu không có niềm tin hoặc lợi ích không được bảo đảm”, bà Thi nói.
Theo ông Phạm Huy Sơn, những ý kiến đóng góp này hết sức có ý nghĩa, là tiền đề thành lập những tổ đội sản xuất có sự tham gia tích cực của ngư dân trên cơ sở giám sát, hỗ trợ của cơ quan quản lý, giúp ngư dân tiếp tục bám biển.
MINH SƠN