.

Không nên ăn cá từ hồ Công viên 29-3

.

Hằng ngày, nhiều người vẫn câu cá sống trong hồ Công viên 29-3 về ăn mặc dù vào tháng 5-2012, nhóm giảng viên và sinh viên khoa Môi trường - Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã khuyến cáo người dân không ăn cá từ hồ này vì nhiễm kim loại nặng vượt mức cho phép.

Câu cá ở hồ Công viên 29-3.
Câu cá ở hồ Công viên 29-3.

Theo đề tài nghiên cứu đánh giá mức độ ô nhiễm kim loại nặng trong hồ công viên 29-3 của nhóm sinh viên Phan Thị Kim Ngà, Trần Thị Thanh Thảo, Hoàng Xuân Đạt và giảng viên - TS Trần Văn Quang, KS Phan Thị Kim Thủy - khoa Môi trường, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), hầu hết tại các hồ đô thị trên địa bàn thành phố đã và đang bị ô nhiễm kim loại nặng với các mức độ khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp và gây mất cân bằng hệ sinh thái trong hồ. Nguyên nhân gây ô nhiễm kim loại nặng tại các hồ do nước thải sinh hoạt, sản xuất từ các khu vực dân cư chảy vào hồ và do việc người dân vứt chất thải bừa bãi xuống hồ, đặc biệt là hồ Công viên 29-3.  

Các mẫu bùn (trầm tích), nước, cá lấy trong hồ Công viên 29-3 được xử lý bằng phương pháp ướt bung trong thiết bị Microwave và tiến hành phân tích, xác định hàm lượng kim loại nặng trong nước, bùn và cá bằng máy cực phổ 797-VA. Kết quả, sau khi so sánh bộ tiêu chuẩn EQG của Canada (do nước ta chưa có bộ tiêu chuẩn đánh giá mức độ ô nhiễm trong trầm tích), một số mẫu bùn có hàm lượng chì (Pb) vượt giới hạn cho phép từ 1,04 - 1,1 lần, hàm lượng thủy ngân (Hg) vượt từ 3,5 - 5,2 lần. Các mẫu nước lấy trong hồ đều có hàm lượng chì vượt quá giới hạn cho phép của quy chuẩn chất lượng nước mặt Việt Nam QCVN 08:2008/BTNMT (cột B1) từ 1,01 - 1,34 lần, hàm lượng thủy ngân vượt từ 1,1 - 2,5 lần.

Đối với các mẫu cá trong hồ Công viên 29-3, đối chiếu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm QCVN 8-2:2011/BYT (của Bộ Y tế) cho thấy, người có thể trọng dưới 53kg không nên sử dụng cá trong hồ làm thức ăn vì ảnh hưởng của hàm lượng độc chất Asen (chất độc thạch tín, có khả năng gây biến đổi gene, ung thư, các bệnh tim mạch). Đặc biệt, người có thể trọng dưới 11kg không nên sử dụng cá trong hồ làm thức ăn do hàm lượng cadimi (cadimi có khả năng gây tổn thương gan và thận, loãng xương, thiếu máu) và thủy ngân (có khả năng gây ngộ độc cấp tính) tích lũy trong cá cao.

Nhóm nghiên cứu kết luận: “Hàm lượng kim loại nặng trong hồ Công viên 29-3 vượt quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép. Đối với cá, nếu người dân sử dụng cá trong hồ làm nguồn thức ăn có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe thông qua chuỗi thức ăn. Do vậy, cần tiếp tục khảo sát và đánh giá mức độ ô nhiễm kim loại nặng ở hồ Công viên 29-3 để có biện pháp kiểm soát hợp lý và khuyến cáo người dân không nên sử dụng cá trong hồ làm nguồn thực phẩm hằng ngày, đồng thời có ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan trong khu vực hồ Công viên”.  

Điều đáng nói là hiện nay, hằng ngày có rất nhiều người đến hồ Công viên 29-3 câu cá vì có nhiều cá. Không hẳn là thú vui tao nhã, đa phần những người đến câu đều đưa cá câu được như: rô phi, trê, tràu… về làm thức ăn. Trong khi đó, xung quanh hồ không có bảng cấm đánh bắt cá hay có bất kỳ khuyến cáo nào về việc này.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.