.

Bất cập nhà trọ công nhân

.

Kết quả kiểm tra, khảo sát của UBND quận Cẩm Lệ đối với hàng nghìn nhà trọ cho công nhân, sinh viên thuê trên địa bàn 2 phường Hòa Thọ Tây và Hòa Thọ Đông trong tháng 8 vừa qua cho thấy, nơi đây còn nhiều bất cập, tác động đến điều kiện ăn ở, sinh hoạt và đời sống của những người thuê trọ.

Bữa ăn đạm bạc của chị em Võ Thị Ly.
Bữa ăn đạm bạc của chị em Võ Thị Ly.

Trong con hẻm sâu, đường đi vào bằng đất sỏi, khu nhà trọ 5 phòng ở tổ 21, phường Hòa Thọ Tây tối om dù lúc đó mới 15 giờ (ngày 16-9). Mỗi phòng giá thuê trọ chỉ 300.000 đồng, tiền điện mỗi tháng 50.000 đồng, tiền nước được miễn phí bởi dùng nước từ giếng bơm. Căn phòng rộng gần 7m2, có 3 người thuê bừa bộn áo quần, soong nồi, chiếu, ghế xếp…

Bà Trần Thị Lượng (57 tuổi, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), làm nghề buôn phế liệu, cho biết: “Tôi thuê trọ ở đây 2 năm rồi, thuê cùng những người làm công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Cầm. Tôi có 3 đứa con, đứa nhỏ đang học lớp 8. Mỗi tháng tôi về nhà từ 1-2 lần, đưa tiền cho chồng nuôi con, rồi ra Đà Nẵng lại. Có tháng may mắn, thu nhập được hơn 2 triệu đồng, trừ mọi chi phí thì dư gần 2 triệu đồng; tháng bình thường thì thu nhập 1,5 triệu đồng, nhưng chỉ dư gần 1 triệu đồng thôi, nhưng dù sao cũng còn hơn làm nông”...

Cùng dãy trọ với bà Lượng có 2 chị em Võ Thị Ly (công nhân Công ty TNHH điện tử Foster) và Võ Văn Lĩnh (quê ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Dù chị 27 tuổi, em trai 25 tuổi nhưng vẫn sống chung, ngủ chung một manh chiếu đôi trải giữa nền nhà. “Chúng em sống như thế từ lúc em trai còn là sinh viên (Lĩnh vừa tốt nghiệp với 2 tấm bằng đại học ngoại ngữ và kinh tế, nhưng đang thất nghiệp). Giờ em trai chưa có việc, hai chị em sống bằng đồng lương công nhân của em. Chịu khó chật chội một chút cũng chẳng sao, đi làm suốt ngày chứ ở bao nhiêu đâu”, Ly nói. Bữa ăn đạm bạc của hai chị em sơ sài mấy con cá biển, ít rau muống, chén nước mắm, thế là qua bận.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế UBND quận Cẩm Lệ, địa bàn 2 phường Hòa Thọ Tây và Hòa Thọ Đông hiện có 391 nhà trọ với 2.140 phòng trọ cho thuê, trong đó tập trung nhiều nhất ở phường Hòa Thọ Tây (với 83% số nhà và 82,8% số phòng cho thuê). Diện tích bình quân mỗi phòng 16m2 (phường Hòa Thọ Tây) và 15m2 (phường Hòa Thọ Đông), đa số có nhà vệ sinh khép kín; có 24 phòng ở Hòa Thọ Tây dùng nhà vệ sinh chung. Trong tổng số 3.449 người thuê trọ, công nhân chiếm 92%, còn lại là các hộ gia đình, người buôn bán và học sinh, sinh viên. Hầu hết các nhà trọ bảo đảm quy định, nhưng vẫn còn 20 nhà đang xuống cấp và 7 nhà không bảo đảm quy định. Vấn đề thu phí sử dụng tiền điện, nước hằng tháng giữa các chủ hộ cũng không thống nhất, đáng lưu ý có hơn 50% số hộ thu tiền điện của người thuê trọ cao hơn 30% so với các hộ khác. Đối với tiền nước, mặc dù giá nước sinh hoạt theo quy định bình quân 5.000 đồng/m3, nhưng qua điều tra, có 120/388 hộ thu 5.500 đồng/m3, nhiều hộ thu đến 7.000 đồng/m3.

Theo phản ánh của các công nhân, mặc dù họ đi làm suốt ngày, việc sử dụng điện, nước và xả rác thải sinh hoạt rất hạn chế, nhưng phải đóng phí cao, thậm chí cao hơn mức quy định rất nhiều lần. “Chúng tôi đã gửi báo cáo đến các cơ quan chức năng để tìm giải pháp hạn chế mức thu cao quá quy định của chủ nhà trọ đối với công nhân thuê trọ. Đề nghị UBND quận có ý kiến với ngành Điện lực thông báo đến các phường, các hộ có nhà trọ cho thuê làm thủ tục đăng ký hộ phụ để giảm tiền điện cho người thuê trọ. Đối với tiền nước, thông báo đến các hộ thu cao hơn mức quy định phải chấp hành thu đúng quy định Nhà nước. Đề nghị đơn vị Môi trường hạ mức thu phí gom rác xuống còn 5.000 đồng/phòng sẽ hợp lý hơn. Bên cạnh đó, kiến nghị UBND quận làm việc với các ngân hàng tạo điều kiện cho các chủ hộ có nhu cầu nâng cấp, xây mới phòng trọ cho thuê để cải thiện chất lượng nhà, phòng trọ”, ông Ngô Ngọc Trọng, Trưởng phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ cho hay.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.