Trong cơn lốc quy hoạch và chỉnh trang đô thị, xứ Đồng Nò từ phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) “dạt” về Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn). Hơn 10 năm qua, việc thẩm định, áp giá, đền bù, tái định cư của dân Đồng Nò vẫn... đứng yên.
Đồng Nò như một cù lao giữa bốn bề sông nước. |
Đứng cuối góc đường Chu Cẩm Phong có thể nhìn thấy Đồng Nò như một cù lao giữa bốn bề sông nước. Con đường độc đạo dẫn về Đồng Nò được thảm bê-tông, còn có công hiệu như một đập tràn - mùa mưa nước tràn qua dễ dàng. Tôi tạt vào nhà một người dân. Ông Lê Tấn Đồng, một người láng giềng có mặt lúc đó, kể rằng từ ngày xứ này quy hoạch, kiểm định thu hồi đất, người dân Đồng Nò không còn đất nông nghiệp để sản xuất. Nghề nghiệp chỉ còn mò cua, bắt ốc, đánh cá trên vùng sông nước quanh nhà kiếm sống qua ngày. Đã 10 năm, trải qua cơn lốc quy hoạch, người Đồng Nò trở lại cuộc sống thường nhật, duy chỉ kế mưu sinh đang ngày càng hẹp lại.
Tôi hỏi, đã có chủ trương, nhận áp giá đền bù, có đất tái định cư rồi sao vẫn chưa nhận tiền di dời. Chủ nhà Lê Tăng cho biết, một số người “dân lạ” đến Đồng Nò mua đất để làm “hồ sơ giải tỏa” đã đi hết. Người gốc Đồng Nò vẫn chưa một ai đi. Đi sao được khi kiểm định, áp giá đền bù nhà cửa, đất đai, ruộng vườn chưa đầy đủ, chính xác. Đi rồi, dự án đổ đất, san nền làm mất dấu đất vườn, lấy gì làm chứng để “đòi” giá đền bù. Lý do vướng mắc trong công tác giải tỏa đền bù giữa cơ quan chức năng với người dân về giá trị đền bù, theo ông Tăng, là chưa thỏa đáng, chưa đầy đủ. Mặt khác, khu tái định cư còn rất hoang sơ, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. “Có một số người vào đó xem rồi (Khu D - Hòa Xuân) nhưng không ưng ý, xa xôi, còn sơ sài lắm, điện, đường gì cũng chưa đầy đủ. Vào đó sao ăn ở được!”, ông Lê Tấn Đồng cho biết.
Bây giờ, người dân Đồng Nò mong mỏi di dời lắm rồi. Nhưng đền bù ra sao, đến nơi ở mới ra sao thì phải hợp lý, không tốt hơn nơi cũ cũng phải ngang bằng. “Nhưng thực tế công tác giải tỏa đền bù ở dự án này (năm 2003, Đồng Nò được quy hoạch thuộc dự án “Khu đô thị sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước” - PV) thì còn lèm nhèm lắm. Rồi kinh tế gặp khó khăn, dự án triển khai chậm, có nhà nhận tiền đền bù một phần, chưa kịp di dời đến nơi ở mới đã ăn hết tiền đền bù vì không có việc làm khi đất trồng lúa bị bỏ hoang. Bây giờ muốn đi lắm, mong cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ, đúng, kịp thời công tác đền bù và quy hoạch khu tái định cư để dân chúng tôi sớm ổn định cuộc sống mới”, ông Tăng cho hay.
Ông Nguyễn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, cho biết hiện ở Đồng Nò có trên 60 hộ dân thuộc hai tổ 108 và 109. Trước tình trạng người dân không có đất sản xuất nông nghiệp, hằng năm phường đều kiến nghị hỗ trợ nông dân mất đất sản xuất do dự án chậm triển khai. Những phản ánh rằng người dân ở Đồng Nò khó khăn trong việc chuyển khẩu từ Hòa Xuân về Hòa Quý là không đúng bởi UBND phường và cơ quan chức năng quận đã tạo điều kiện thuận lợi hết sức, thủ tục cũng đơn giản vì chỉ chú thích vào sổ hộ khẩu ở phần sau.
Các hộ chưa chuyển về Hòa Quý theo quản lý hành chính do chưa có nhu cầu. Tiền hỗ trợ đến nay chưa chi cho người dân do thành phố chưa giải ngân. Đang trong vùng quy hoạch, người dân Đồng Nò không được xây dựng, gia cố nhà cửa. Riêng với những trường hợp nhà bị bay tôn do gió bão, phường còn tạo điều kiện mua, lợp lại để dân ở.
Hơn 10 năm “rơi” vào vùng quy hoạch, Đồng Nò vẫn chưa ra khỏi vùng cù lao bao quanh sông nước. Khắc khoải mong chờ một tương lai không còn ngụp lặn giữa mùa nước nổi, không còn phấp phỏng vào từng mẻ lưới đau đáu trong lòng người dân nơi đây.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY