Bạn đọc
Mở rộng đường gom ven đường tàu
Chủ trương của UBND quận Cẩm Lệ trong việc mở rộng đường gom ven đường tàu hỏa từ ngã ba Huế đến ngã ba Hòa Cầm mang lại niềm vui cho hầu hết người dân sống ven tuyến đường này. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hộ dân băn khoăn về phương châm thực hiện.
Tại nhiều điểm trên tuyến đường gom ven đường sắt Bắc - Nam hẹp còn bị cột điện cản đường. |
Ông Nguyễn Lê, sống ở đầu tuyến đường, đoạn giáp ngã ba Huế (tổ 33 phường Hòa An), chia sẻ những khó khăn, bức bối của người dân sống ven tuyến đường gom bên cạnh đường tàu nói riêng và người dân sống trong khu dân cư các phường Hòa An và Hòa Phát nói chung.
Hiện tuyến đường gom ven đường tàu này rộng khoảng 3m; nhiều nơi bị trụ điện ngáng đường, gây cản trở giao thông, chưa có rào chắn ngăn cách giữa đường tàu và đường gom, đe dọa tính mạng người qua lại, đặc biệt là những nơi có đường dân sinh đi ngang qua đường tàu và những lúc có tàu chạy qua.
“Những lúc cao điểm, có rất nhiều người và phương tiện qua lại dọc tuyến đường gom này. Nhiều người bị chen rơi xuống đường ray là chuyện thường. Cũng may lúc đó không có tàu chạy qua, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, từ ngày dự án nút giao thông ngã ba Huế triển khai thi công thì mật độ giao thông dọc tuyến đường này tăng đột biến, có hôm tắc nghẽn kéo dài cả cây số.
Một ảnh hưởng không nhỏ là những lúc ma chay, hiếu hỷ của các hộ sống dọc tuyến đường và những người sống trong kiệt, dựng rạp giữa đường thì cản trở người qua đường, nhưng dù có dựng được thì diện tích rất hạn chế. Ngay cả lúc đưa đám (tang) hay làm đám cưới thì khổ sở, bức bối vô cùng. Bên cạnh đó, xe cứu thương và cứu hỏa cũng không thể tiếp cận vào khu dân cư nếu trường hợp có hỏa hoạn hay người bị đau bất ngờ”, ông Lê nói.
Đó cũng là suy nghĩ chung của người dân sống dọc tuyến đường này. Bởi thế, chủ trương mở rộng, nâng cấp tuyến đường do UBND quận đưa ra đã được hầu hết người dân đồng tình, ủng hộ. Song, vẫn còn nhiều hộ băn khoăn về phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Theo thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Phạm Nam Sơn tại cuộc họp ngày 3-12-2014 về chủ trương đầu tư xây dựng đường gom dân sinh dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam, thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân tự nguyện hiến và giao phần diện tích đất đang sử dụng bị ảnh hưởng để mở đường, Nhà nước hỗ trợ đền bù nhà cửa, vật kiến trúc trên đất và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Ông Mai Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Phát, cho biết đa số người dân đồng tình với chủ trương do quận đưa ra. Tuy nhiên, trong số 353 hộ ở Hòa Phát có đất bị ảnh hưởng bởi dự án, hiện chỉ có 40% số hộ đồng ý theo phương châm này.
Nguyên nhân do có hộ có diện tích bị thu hồi quá lớn, lên tới 250m2; có hộ thì diện tích bị thu hồi không quá lớn, nhưng mặt tiền kéo dài. Việc thu hồi này ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như kinh doanh lâu dài của các hộ.
Về nguyên tắc, những hộ bị thu hồi trên 75m2 sẽ nhận được đất tái định cư, nhưng nhiều trường hợp bị thu hồi trên 75m2 vẫn còn diện tích đất chưa thu hồi lớn, sẽ khó khăn trong việc giải quyết đền bù đất tái định cư theo quy định. 60% số hộ còn lại ở Hòa Phát còn phân vân bởi họ mong muốn Nhà nước đền bù 50% giá trị đất bị thu hồi, hỗ trợ, đền bù vật kiến trúc, nhà ở trên đất theo quy định.
“Về cơ bản người dân dọc tuyến đường gom ở Hòa Phát còn khó khăn, nên họ muốn sau khi giải tỏa đất để làm đường, được đền bù 50% giá trị đất để còn chút vốn xây dựng, sửa sang nhà cửa, ổn định cuộc sống. Thực tế, nhà cửa các hộ dọc tuyến đường này có giá trị đền bù không cao vì còn xập xệ, vật kiến trúc cũng chẳng có gì giá trị lớn”, ông Tuấn cho biết.
Đối với 10% số hộ dân còn lại ở phường Hòa An chưa đồng ý, theo bà Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND phường, ý kiến không tán đồng do xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Một người dân nói: “Mở đường thì tốt quá, nhưng hiến 100% giá trị đất giải tỏa, sau làm đường, nhà tôi lấy gì để sửa sang lại nhà cửa mà sinh sống”.
Trong khi đó, theo kết luận của ông Phạm Nam Sơn, chủ trương mở rộng đường gom ven đường sắt Bắc - Nam về cơ bản phải có sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân. Bà Lê Thị Ngọc Thủy cũng nói rằng, 90% số hộ đồng ý với chủ trương của quận đã là sự đồng thuận lớn.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY