.

Khắc phục ô nhiễm ở các kênh hở, âu thuyền

.

Trong những ngày nắng nóng này, nhiều khu vực dân cư khốn khổ với tình trạng ô nhiễm môi trường từ các đoạn kênh hở, âu thuyền gây ra. Các đơn vị chức năng cũng đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng cá chết ở các kênh hồ do nắng nóng.

Kênh Hòa Minh được bổ sung dòng chảy từ hồ điều tiết Hòa Phú để tăng mực nước và dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Kênh Hòa Minh được bổ sung dòng chảy từ hồ điều tiết Hòa Phú để tăng mực nước và dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Để giảm thiểu mùi hôi tại một số vị trí, đoạn kênh hở bị tù đọng, nhất là vào những ngày nắng nóng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng duy trì vệ sinh và phun chế phẩm sinh học xử lý thường xuyên. Riêng tại tuyến kênh hở Khuê Trung - Đò Xu, công ty đã nạo vét hố ga tại trạm bơm, duy trì vệ sinh và phun chế phẩm sinh học.

“Về giải pháp lâu dài, UBND thành phố giao Sở Xây dựng nghiên cứu đề xuất đầu tư nâng cấp trạm bơm để thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt, không để nước thải chảy tràn ra kênh, qua đó, giảm thiểu mùi hôi thối do nước thải sinh ra”, ông Mai Mã, Giám đốc công ty nói.

Tại nhiều tuyến kênh hở, để giảm thiểu tình trạng tù đọng gây mùi hôi thối và không để bị khô nước, biện pháp tốn ít tiền nhưng cho hiệu quả lớn đã được áp dụng là phải luôn có nước chảy lưu thông trong kênh.

Theo đó, công ty đã lựa chọn một số vị trí đắp các đập tạm nhằm giữ nước ở thượng nguồn và chỉ mở cho lượng nước nhất định chảy về. Nhờ vậy, vào mùa nắng nóng và lâu ngày trời không mưa, vẫn có dòng nước trong veo chảy trong lòng kênh đổ về hạ lưu.

Đặc biệt, tại kênh Hòa Minh, một đập tạm bằng bao cát được đắp tại đầu kênh nhằm điều tiết nước hồ Hòa Phú. Nhờ đập tạm này, mực nước hồ Hòa Phú luôn ở mức cao, làm dịu mát khu vực rộng lớn từ khu dân cư Trung Nghĩa đến Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng và luôn duy trì dòng chảy tối thiểu cho kênh Hòa Minh.

Tuy vậy, cuối tháng 5 vừa qua, nắng quá nóng làm chết nhiều cá. Bên cạnh huy động nhân lực, phương tiện vớt xác cá và xử lý bằng hóa chất, chế phẩm sinh học, công ty đã cải thiện môi trường nước bằng cách làm tăng mực nước lẫn bổ sung dòng chảy cho kênh Hòa Minh từ hồ điều tiết Hòa Phú.

Trong khi đó, đối với âu thuyền Thọ Quang, để giải quyết căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND thành phố đã giao Sở Khoa học và Công nghệ đặt hàng các nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước và môi trường không khí ở Khu công nghiệp Dịch vụ chế biến thủy sản Thọ Quang lâu nay và đề xuất những biện pháp, giải pháp xử lý phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nước thải cho các nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung.

Vừa qua, Sở đã xét chọn Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường và Khoa Môi trường thuộc Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng được thực hiện đề tài “Đánh giá các trở ngại và đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nước thải cho Khu công nghiệp Dịch vụ chế biến thủy sản Thọ Quang”. Đề tài được triển khai thực hiện từ tháng 6-2015 đến tháng 12-2016, góp phần giải quyết ô nhiễm mùi hôi tại Khu công nghiệp Dịch vụ chế biến thủy sản Thọ Quang, nhằm ổn định, phát triển sản xuất và bảo vệ nguồn nước ở âu thuyền Thọ Quang.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm chi phí, hiệu chỉnh các thông số vận hành các thiết bị và công nghệ, nâng cao hiệu quả và công suất xử lý của các trạm xử lý nước thải, đáp ứng yêu cầu về nước thải theo quy định.

“Trước mắt, chúng tôi cố gắng vận hành tốt trạm xử lý nước thải tập trung và trạm bơm thau rửa nước âu thuyền. Mới đây, Trạm Xử lý nước thải Sơn Trà được triển khai thi công nâng cấp. Với nhiều giải pháp đồng bộ như vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Khu công nghiệp Dịch vụ chế biến thủy sản Thọ Quang sẽ được giải quyết căn bản”, ông Mai Mã nói.    

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.