Bạn đọc
Trầy trật lương hưu
Báo Đà Nẵng nhận được thư của ông Nguyễn Xuân Tư (trú 159 Lý Tự Trọng, quận Hải Châu, Đà Nẵng) hỏi: “Liệu đã có bao nhiêu người nghỉ hưu bị Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đà Nẵng làm “sai chế độ?”.
Theo đó, quyết định điều chỉnh lương cơ bản (từ 1.050.000 đồng/tháng thành 1.150.000 đồng/tháng) của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, vì sao đến tận tháng 3-2015, BHXH Đà Nẵng vẫn áp dụng mức lương cơ bản cũ để tính lương hưu?”.
Sau 34 năm công tác, ngày 1-3-2015, ông Nguyễn Xuân Tư chính thức về hưu theo quy định. Ông Tư có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc là 34 năm. Theo Khoản 1, Điều 58 Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1-1-2007, người lao động tham gia BHXH trước ngày 1-1-1995 như ông Tư được lấy bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu làm căn cứ tính lương hưu. Mức căn cứ này sẽ được điều chỉnh theo mức lương tối thiểu chung tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí (Khoản 1, Điều 61, Luật BHXH).
Tuy vậy, trong bảng tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng để tính hưởng chế độ hưu trí, ông Tư vẫn bị tính lương cơ bản là 1.050.000 đồng/tháng. Sự chênh lệch 100.000 đồng/tháng giữa hai mức lương cơ bản cũ và mới làm ông thiệt 450.000 đồng/tháng lương hưu trí và 1,2 triệu đồng đối với số tiền trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Vì vậy, khi nhận được Quyết định số 331/QĐ-BHXH của BHXH Đà Nẵng ngày 9-3-2015 về việc giải quyết chế độ hưu trí, ông Tư đã yêu cầu trả lại quyết định để chờ sự giải quyết thỏa đáng.
Giữa tháng 4 vừa qua, ông Tư nhận được một quyết định khác của BHXH Đà Nẵng về việc điều chỉnh chế độ hưu trí. Trong quyết định mới này, mức bình quân tiền lương được dùng làm căn cứ tính lương hưu của ông đã thay đổi từ 6,3 triệu đồng/tháng thành 6,9 triệu đồng/tháng, tức là mức lương cơ bản hiện hành đã được sử dụng thay vì mức lương cơ bản cũ.
Cùng với đó, mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu và mức lương hưu hằng tháng cũng được tăng lần lượt là 1,2 triệu đồng và 450.000 đồng, đúng theo cách tính nếu dùng mức lương cơ bản hiện hành. Như vậy, quyền lợi của ông Tư đã được giải quyết đúng đắn.
Tuy vậy, ông Tư vẫn thắc mắc vì sao trước đây BHXH Đà Nẵng khẳng định quyết định cũ là đúng, rồi sau đó phải “sửa sai” bằng một quyết định điều chỉnh.
Về vấn đề này, ông Lê Anh Nhân, Phó Giám đốc BHXH Đà Nẵng, người đã ký 2 quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hằng tháng của ông Nguyễn Xuân Tư (quyết định gốc và quyết định điều chỉnh) khẳng định rằng, quyết định điều chỉnh không phải là để sửa sai.
Ngày 10-2-2015, BHXH Đà Nẵng có Công văn số 186/BHXH-PT dựa trên Công văn 5467/BHXH-CSXH của BHXH Việt Nam về việc thực hiện thu và giải quyết hưởng BHXH kể từ ngày 1-5-2013. Theo đó, các doanh nghiệp vận dụng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trước ngày 1-5-2013 có hai lựa chọn. Một là, tiếp tục vận dụng chế độ lương này và truy đóng theo mức lương cơ sở mới (1.150.000 đồng/tháng) từ ngày 1-7-2013 trở đi.
Hai là, không đóng/truy đóng mức lương mới và chuyển sang đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (theo Điều 94, Luật BHXH). Doanh nghiệp nơi ông Tư công tác đã nhận được công văn này vào ngày 4-3-2015. Trong tháng 3-2015, doanh nghiệp này đã nộp hồ sơ điều chỉnh để theo lựa chọn thứ nhất (truy đóng mức lương cơ sở mới). Hồ sơ được nộp lên BHXH Đà Nẵng vào ngày 26-3 và được xử lý hoàn tất vào ngày 6-4.
Vì vậy, trong quyết định gốc ký ngày 9-3, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính lương hưu của ông Tư vẫn 1.050.000 đồng/tháng. Sau khi hồ sơ điều chỉnh của doanh nghiệp nơi ông Tư công tác được xử lý, BHXH Đà Nẵng đã ra quyết định điều chỉnh mức lương hưu cho ông Tư dựa trên lương cơ sở mới 1.150.000 đồng/tháng.
Ông Lê Anh Nhân cho biết, theo thống kê từ đầu tháng 4-2015 đến nay, hơn 800 hồ sơ đã được điều chỉnh với cùng một lý do như vậy.
Rắc rối này, theo ông Nhân, do mức lương cơ bản mới (1.050.000 đồng/tháng) đã được ban hành theo Nghị định 66/2013 của Chính phủ, nhưng Bộ LĐ-TB&XH hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương.
Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi người lao động, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đề nghị BHXH Đà Nẵng tiếp tục thực hiện theo quy định cũ cho đến khi Bộ có văn bản hướng dẫn. Đây là nội dung Công văn số 1212 được Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng ban hành vào tháng 8-2013. Đến nay vẫn chưa có văn bản nào mới hơn về vấn đề này. Vì vậy, BHXH Đà Nẵng đã có Công văn 186 để các doanh nghiệp có được 2 lựa chọn như đã đề cập ở trên.
Như vậy, BHXH Đà Nẵng khẳng định rằng, quyết định điều chỉnh lương hưu của ông Nguyễn Xuân Tư là hợp lý, dựa trên thời gian doanh nghiệp ông Tư công tác thực hiện nộp hồ sơ điều chỉnh truy đóng lương mới theo quy định của Công văn 186 do BHXH Đà Nẵng ban hành.
KHANG NINH