Từ đầu năm 2015 đến nay, việc thụ lý, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện với mục tiêu “Không có người nghiện trong cộng đồng”.
Tuy nhiên, dư luận khá quan tâm đến việc lập hồ sơ, thủ tục trong một thời gian rất ngắn liệu có thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo đúng quy định.
Trần Thanh Sang (31 tuổi, trú K233/22 Trưng Nữ Vương, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) lần đầu sử dụng ma túy vào tháng 10-2014. Lần gần đây nhất, Sang sử dụng ma túy là vào tối 24-5-2015 khi góp tiền với bạn mua hàng đá về cùng hút. Ngày 26-5, Công an phường Hòa Thuận Đông mời Sang lên làm việc, lập hồ sơ test với kết quả dương tính với ma túy tổng hợp (hàng đá). Sang đã công nhận hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình với hình thức sử dụng là hút.
Ngày 27-5, Phòng LĐ-TB&XH quận Hải Châu đã ban hành văn bản đề nghị TAND quận xem xét, quyết định về thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng bị đề nghị là Trần Thanh Sang. Cùng ngày, Phòng cũng đề nghị TAND quận xem xét, quyết định đối với trường hợp Bùi Nguyễn Cẩm Huy (34 tuổi, trú tổ 6, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) sau khi Công an phường Hải Châu 1 mời về làm việc, lập hồ sơ test, có kết quả dương tính với ma túy tổng hợp (hàng đá). Phòng LĐ-TB&XH quận cũng đề nghị đưa cả 2 đối tượng vào cơ sở quản lý và cai nghiện vì cả hai không có nơi cư trú ổn định, không có nghề nghiệp hoặc lao động phổ thông.
Sau một thời gian nghiên cứu, củng cố hồ sơ, ngày 15-6, tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 thành phố Đà Nẵng, TAND quận Hải Châu đã tiến hành phiên họp xem xét việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cai nghiện bắt buộc 2 người nghiện ma túy nói trên với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH, Viện KSND, Thẩm phán và Thư ký TAND quận Hải Châu. Tại phiên họp, sau khi kiểm sát hồ sơ, Viện KSND quận cho rằng, đề nghị của Phòng LĐ-TB&XH quận là có cơ sở và TAND quận đã thực hiện đúng các nội dung quy định của Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Các đối tượng đã thừa nhận hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình và đều có nguyện vọng được chữa bệnh tại Trung tâm 05-06 để ổn định sức khỏe sớm hòa nhập với cộng đồng. Căn cứ vào điều 95, 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính, hội đồng phiên họp quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Bùi Nguyễn Cẩm Huy và Trần Thanh Sang với thời gian là 18 tháng.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng quận Hải Châu đã phối hợp mở nhiều phiên họp quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hơn 60 người nghiện ma túy trên địa bàn, nhằm cách ly người nghiện ma túy khỏi cộng đồng để việc điều trị cai nghiện tập trung có hiệu quả, giáo dục tư cách đạo đức và dạy nghề cho người nghiện, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh trật tự của thành phố, cụ thể hóa và quyết tâm thực hiện mục tiêu “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”. Mặc dù thời gian lập và thẩm định hồ sơ cũng như thủ tục xét hành chính đưa người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện theo quy chế riêng của thành phố là rất ngắn nhưng với tinh thần trách nhiệm cao cùng sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị, trong thời gian qua, việc đưa người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện đã đạt được những kết quả khích lệ.
Còn tại quận Sơn Trà, hầu như hằng tuần, TAND, Viện KSND, Phòng LĐ-TB&XH quận đều tiến hành họp xét đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện. Kể từ khi Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND có hiệu lực đến nay, TAND quận Sơn Trà cũng đã đưa ra họp xét gần 80 trường hợp nghiện ma túy.
Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn thành phố đã lập hồ sơ áp dụng các hình thức, biện pháp cai nghiện cho 499 trường hợp (69 trường hợp ngoài tỉnh), trong đó có 387 hồ sơ cai nghiện bắt buộc. Toàn bộ người được đưa vào cơ sở quản lý đều được thiết lập hồ sơ bệnh án, xác định tình trạng nghiện ma túy, đồng thời tổ chức cắt cơn, giải độc theo đúng phác đồ điều trị... Song song với công tác điều trị nghiện, công tác tư vấn tâm lý được thực hiện xuyên suốt, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho đối tượng sau cắt cơn, cai nghiện, phục hồi sức khỏe...
KHÁNH HÀ