Bạn đọc

Vấn đề bạn đọc quan tâm

Đừng để lòng tốt bị lợi dụng

07:37, 22/09/2015 (GMT+7)

Nửa đầu tháng 9 vừa qua, trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện những nhóm người bán tăm dạo giả danh người làm từ thiện.

Họ thường đi thành tốp 2-3 người, ra sức chèo kéo khách mua tăm và tỏ thái độ khó chịu với những ai không mua. Những người này còn tự trang bị 1 cuốn sổ in dòng chữ “Tăm từ thiện” để ghi tên người mua nhằm ngụy trang hành vi của mình.

Một nhân viên của Trung tâm Hướng nghiệp và sản xuất kinh doanh thuộc Hội Người mù Đà Nẵng đang sản xuất tăm tre.
Một nhân viên của Trung tâm Hướng nghiệp và sản xuất kinh doanh thuộc Hội Người mù Đà Nẵng đang sản xuất tăm tre.

Ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng đội Quy tắc đô thị quận Hải Châu, cho biết kể từ đầu tháng 9, đơn vị đã nhận được phản ánh của người dân qua “đường dây nóng” về tình trạng này ở dọc tuyến đường Bạch Đằng và khu vực trước chợ Hàn. Sau khi điều tra, được biết, những đối tượng này đều là phụ nữ ngoài tỉnh, tuổi dưới 20.

Đường Bạch Đằng là một trong những tuyến phố cấm buôn bán hàng rong nên Đội quy tắc đã dùng các biện pháp: giải thích, cảnh cáo, đẩy đuổi. Đặc biệt, khi nhận được thông tin phản ánh có người bán rong vào chèo kéo khách mua tăm “từ thiện” ở quán cà-phê Aroi (ngã tư Nguyễn Thái Học - Bạch Đằng), đội đã cử người túc trực liên tục 10 ngày, kiên quyết đẩy đuổi các đối tượng này.

Theo ông Rân, hiện không còn hiện tượng giả danh bán tăm từ thiện dọc tuyến đường Bạch Đằng. Tuy vậy, để tránh tình trạng này tái diễn, tổ kiểm tra xử lý trật tự văn minh đô thị và vệ sinh môi trường vẫn liên tục tuần tra dọc đường Bạch Đằng từ 5-21 giờ hằng ngày.

Để lòng tốt không bị đặt sai chỗ, người dân cần phân biệt hành vi bán tăm lừa đảo mạo danh từ thiện và việc bán tăm mang mục đích từ thiện thật.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Võ Văn Ngọ, Chủ tịch Hội Người Mù thành phố, cho biết Hội phản đối hiện tượng trá hình từ thiện này. Tăm tre của Trung tâm Hướng nghiệp và sản xuất kinh doanh thuộc Hội Người mù thành phố đã đăng ký thương hiệu “Tăm tre tình thương”, được sản xuất theo quy trình khép kín, có chế độ hấp sấy bảo đảm vệ sinh.

Cũng theo ông Ngọ, “Tăm tre tình thương” chỉ được bán trong các trường học; phân phối qua đại lý, quầy hàng, chứ không bán rong. Vì vậy, những đối tượng chèo kéo khách mua tăm tre trên đường, trong các hàng quán, địa điểm ăn uống với danh nghĩa từ thiện đều là mạo danh.  

Ông Ngọ còn cho biết, hiện nay, Hội Người Mù Đà Nẵng chỉ sản xuất 2 loại tăm tre đựng trong hộp 50g (giá gốc 3.000 đồng/hộp) và 40g (giá gốc 2.500 đồng/hộp), bao bì ghi rõ nhãn hiệu “Tăm tre tình thương” của Hội Người mù Đà Nẵng. Nhiều hộp tăm tre bán rong dưới mác từ thiện khi mở ra thấy bám rất nhiều bụi, bột, nếu sử dụng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mặc dù tình trạng đội vỏ từ thiện bán rong tăm tre hiện không còn trên tuyến đường Bạch Đằng, nhưng các đối tượng này vẫn xuất hiện ở cổng một số trường đại học, trong các quán nhậu, trong chợ… Chị Phước (ở quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, khi đi chợ An Cư (quận Ngũ Hành Sơn), chị thường gặp những người bán tăm rong nài nỉ mua hàng.

Theo ông Ngọ và ông Rân, để giải quyết dứt điểm tình trạng nói trên, người dân nên kiên quyết không mua tăm “từ thiện” bán rong. Khi phát hiện những đối tượng này, người dân nên báo ngay cho “đường dây nóng” của đội quy tắc đô thị các quận, huyện để xử lý kịp thời.

Bài và ảnh: KHANG NINH

.