.

Dịch vụ trung chuyển qua hầm đường bộ Hải Vân: Chất lượng thấp

.

“Chúng tôi cố gắng mang đến cho quý khách những dịch vụ tốt nhất vì hành khách chính là người trả lương để chúng tôi phục vụ” - đây là khẩu hiệu được Công ty CP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) lắp đặt ở nhiều nơi tại 2 trạm trung chuyển Bắc và Nam - khu vực hầm đường bộ Hải Vân. Nhưng trên thực tế, chất lượng dịch vụ, phục vụ hành khách lại quá thấp, khiến người dân vô cùng bức xúc mỗi khi qua hầm.

Hành khách qua hầm Hải Vân bằng xe trung chuyển rất bức xúc vì chất lượng dịch vụ vận chuyển quá thấp.
Hành khách qua hầm Hải Vân bằng xe trung chuyển rất bức xúc vì chất lượng dịch vụ vận chuyển quá thấp.

Bực bội khi qua hầm

Nhằm tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân, Trạm dịch vụ vận chuyển mô-tô, xe máy, xe đạp, người điều khiển phương tiện và người đi bộ qua hầm Hải Vân được HAMADECO đưa vào hoạt động từ cuối năm 2007. Mặc dù, HAMADECO đã nhiều lần tiến hành điều chỉnh tăng giá vé vận chuyển mô-tô, xe máy..., nhưng chất lượng dịch vụ vận chuyển lại ngày càng đi xuống, khiến hành khách mỗi khi qua hầm vô cùng bức xúc.

Anh Nguyễn Văn Sau (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho biết: Khi mới đưa vào khai thác dịch vụ trạm trung chuyển, chất lượng khá tốt. Ngoài hệ thống phương tiện vận chuyển, nhà vệ sinh, nhà tắm được đầu tư xây dựng khá hiện đại, 2 khu nhà trạm trung chuyển Bắc và Nam còn được lắp đặt thêm các dịch vụ tiện ích khác như: wifi, truyền hình kỹ thuật số, sạc điện thoại di động, quạt công suất lớn, dịch vụ ăn nhanh, vá xe và bơm xe máy miễn phí…

Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, khai thác thì hệ thống cơ sở, phương tiện đã nhanh chóng xuống cấp, theo đó chất lượng phục vụ cũng giảm theo, đặc biệt là dịch vụ trung chuyển hành khách qua hầm.

Đi trên các chuyến xe trung chuyển qua hầm đường bộ Hải Vân vào những ngày qua, chúng tôi thấy không một chiếc xe trung chuyển nào của trạm có hệ thống máy lạnh, máy thông gió nên mỗi khi xe vào hầm, hành khách buộc phải đeo khẩu trang kín mít, mở tung cửa ra “hứng bụi” vì quá nóng. Chỉ mất khoảng chục phút qua hầm nhưng ai nấy đều toát mồ hôi và khó thở.

Vợ chồng anh Tường (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) bức xúc: “Cực chẳng đã mới phải đi xe trung chuyển qua hầm, chứ đi xe kiểu này chẳng khác nào ngồi trong cái “lò bát quái”. Nếu không vướng hàng hóa, tôi chạy xe qua đèo còn đỡ cực hơn”.

Cũng nỗi bức xúc như anh Tường, chị Hương (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) than thở: “Khổ nhất là ngày nắng nóng, ngồi trong xe mà không mở cửa thì toát mồ hôi, còn mở cửa thì khói bụi ô nhiễm kinh khủng. Xe chạy thì rung lắc, rất nguy hiểm. Trong khi đó, giá vé qua hầm cả người lẫn xe cứ tăng vùn vụt”.

Khi nào qua hầm hết khổ?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, giá vé dịch vụ vận chuyển khi qua trạm trung chuyển đối với mô-tô, xe tay ga có mức thu là 30.000 đồng/lượt, 25.000 đồng/lượt đối với xe máy, xe đạp có giá 5.000 đồng/lượt, còn mỗi hành khách có giá 8.000 đồng/lượt… Nhưng điều đáng nói là, giá vé liên tục tăng thì chất lượng dịch vụ vận chuyển lại ngày càng đi xuống.

Về vấn đề này, ông Cao Bá Giang, Phó Tổng giám đốc HAMADECO cho rằng: Từ khi đưa trạm dịch vụ vận chuyển vào khai thác cho đến nay, thị trường chịu nhiều biến động do giá đầu vào như giá điện, nước, xăng dầu, lương tối thiểu chung và lương tối thiểu vùng của Nhà nước tăng...

Bên cạnh đó, hằng năm HAMADECO vẫn tiếp tục đầu tư thêm phương tiện, xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển thêm các hoạt động dịch vụ, tăng cường nhân lực; đồng thời thực hiện chế độ miễn phí với người tàn tật; trẻ em dưới 3 tuổi và giảm 50% giá vé trẻ em trên 3 tuổi và dưới 5 tuổi...

Sau 9 năm đi vào hoạt động, với mục đích phục vụ, nên đến nay giá trị khấu hao tài sản mới chỉ đạt 16 tỷ đồng (đạt 53% giá trị tài sản). Ngoài ra, kết quả hoạt động của trạm dịch vụ vận chuyển mới đáp ứng đủ chi phí thanh toán lương cho người lao động và để sửa chữa phương tiện, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của trạm, miễn phí nhiều dịch vụ, nên chưa mang lại lợi nhuận cho phía công ty.

Như vậy, với cách trả lời của ông Giang, có lẽ hành khách mỗi khi qua hầm Hải Vân bằng phương tiện vận chuyển của HAMADECO sẽ phải hứng chịu khổ cực dài dài?

Ông Cao Bá Giang, Phó Tổng giám đốc HAMADECO cho hay: Để duy trì hoạt động, hằng năm công ty phải chi phí hơn 2 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng sửa chữa cho 20 xe tải và 18 xe khách. Nếu trong năm 2007, tổng mức đầu tư cho trạm dịch vụ vận chuyển là 3,2 tỷ đồng thì đến hết năm 2014, tổng mức đầu tư của công ty vào phương tiện, nhà trạm phục vụ dịch vụ vận chuyển lên đến trên 30 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015, HAMADECO đầu tư nâng cấp nhà trạm vận chuyển phía Bắc với giá trị hơn 1 tỷ, đầu tư mới 2 xe khách 29 chỗ ngồi, 2 xe tải chuyên dùng với giá trị gần 2,3 tỷ, chi bảo trì sửa chữa để duy trì hoạt động cho các phương tiện với giá trị hơn 1,3 tỷ đồng.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.