Sau 3 năm hoạt động chính thức, Trường trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) - Trung tâm dạy nghề khu vực miền Trung-Tây Nguyên (TTDNMT) đóng tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) mới mở 16 lớp, với hơn 500 học viên.
Với tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng chục tỷ đồng và thêm nhiều tỷ đồng đầu tư trang thiết bị dạy học, có công nghệ hiện đại, nhưng trung tâm hiện dạy học bằng thủ công…
Trung tâm dạy nghề khu vực miền Trung-Tây Nguyên được Công ty Hải Hoàng Khang thuê lại làm xưởng may (ảnh trái). Bảng thông báo tuyển công nhân của Công ty Hải Hoàng Khang ghi rõ địa chỉ là Trường trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam, đường Nguyễn Bá Phát, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. |
Trường trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) - Trung tâm dạy nghề khu vực miền Trung-Tây Nguyên (TTDNMT) được khởi công từ năm 2006, chính thức xây dựng từ năm 2008, đến năm 2012 hoàn thành và đi vào hoạt động.
Đầu tư lớn, hiệu quả thấp
Trên danh nghĩa là trung tâm dạy nghề cho nông dân 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên, nhưng thực tế TTDNMT chủ yếu chỉ có nông dân Đà Nẵng theo học. Cả khuôn viên trung tâm rộng 6.000m2 với khu nhà 4 tầng và hệ thống trang thiết bị dạy học hiện đại, nhưng chỉ có… 2 giáo viên cơ hữu. Mỗi khi mở lớp, phải thuê giáo viên thỉnh giảng đứng lớp. Hàng chục tỷ đồng của Nhà nước đầu tư xây dựng trường, lớp, trang thiết bị dạy học bị bỏ phí suốt nhiều năm.
Ông Lê Mạnh Phát, Phó Giám đốc TTDNMT, cho biết tổng kinh phí đầu tư xây dựng ước tính khoảng 50 tỷ đồng. Thực tế, trung tâm xây dựng chưa xong, còn thiếu nhiều hạng mục như: khu ký túc xá sinh viên, khu nhà nghỉ cho giáo viên, khu thực nghiệm. Quá trình xây dựng trung tâm bị phân bổ vốn, dẫn đến kéo dài thời gian thi công. Khi đi vào hoạt động, trung tâm được đầu tư một số mô hình dạy nghề có trang thiết bị hiện đại (trồng nấm, chăn nuôi, thú ý, trồng hoa lan…), nhưng khi đưa vào áp dụng thực tế lại nảy sinh bất cập.
Lý giải điều này, ông Phát dẫn chứng: trang thiết bị phục vụ dạy nghề chăn nuôi, thú y đầu tư hàng tỷ đồng, có thiết bị đếm tinh trùng lợn mấy trăm triệu đồng, nhưng hầu như “đắp chiếu” bởi hiện Đà Nẵng chưa có nhu cầu nghề này. Đối với hệ thống trang thiết bị dạy nghề trồng nấm, đây là nghề mở nhiều lớp nhất từ lúc trung tâm đi vào hoạt động (12 lớp).
Trang thiết bị dạy học được đầu tư vào loại hiện đại nhưng chỉ mở được 1 lớp làm thí nghiệm, sau đó đều… dạy bằng thủ công. “Đó là thực tế, vì khó áp dụng trang thiết bị hiện đại để dạy học. Học viên học xong không có điều kiện áp dụng. Mặt khác, sản phẩm (nấm) làm ra không thể bán cạnh tranh với nấm làm thủ công về giá thành được”, một giáo viên ở trường nói.
Hiện nay, nhu cầu học nghề của nông dân rất lớn. Mặc dù đã không ít trung tâm dạy nghề được mở nhưng hiệu quả vẫn chưa mong đợi. Trong khi đó, TTDNMT là cơ sở dạy nghề cấp Trung ương, được đầu tư bài bản, trang thiết bị hiện đại. Song, trung tâm này đang được một công ty tư nhân thuê lại (một phần) để làm xưởng may công nghiệp xuất khẩu.
“Xé rào” để tồn tại
Có mặt tại TTDNMT vào một chiều cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi ghi nhận cảnh vắng hoe, không có lớp học nào được mở dù cán bộ ở trung tâm cho biết, vừa có một lớp nấm thủ công mới ra về (?!).
Theo ông Lê Mạnh Phát, dù được đầu tư lớn, nhưng hoạt động thiếu hiệu quả do nhiều nguyên nhân như: con người không có kỹ thuật; máy móc đầu tư thiếu đồng bộ; kinh phí hoạt động èo ụt; đầu tư trang thiết bị không phù hợp với thực tế nhu cầu xã hội… Hiện TTDNMT dạy 6 nghề chính: trồng nấm, nuôi cá, trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi, thú y, quản lý trang trại và may công nghiệp. Thực tế, mới có 2 lớp hoa cây cảnh, 2 lớp nuôi trồng thủy sản và 12 lớp trồng nấm được mở.
Trước thực trạng trên, TTDNMT đã cho một công ty may công nghiệp thuê lại làm xưởng hoạt động. Tháng 7-2015, trung tâm cho một đơn vị trực thuộc của Công ty TNHH Hải Hoàng Khang thuê lại. Sau 1 tháng hoạt động, đơn vị này trả mặt bằng vì hoạt động không hiệu quả. Sau đó, trung tâm chủ động liên hệ với đại diện Công ty TNHH Hải Hoàng Khang để công ty này thuê lại với giá mỗi tháng 10 triệu đồng.
Ông Lê Mạnh Phát cho biết, việc ký kết hợp đồng, giá cả cho thuê là giao dịch giữa bên thuê và ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc kiêm Hiệu trưởng trung tâm. Ông Phát chỉ là người “được biết” và quản lý trung tâm. Khi phóng viên hỏi, việc trung tâm cho thuê lại làm xưởng may liệu có đúng quy định, hợp pháp, ông Phát cho hay, cái này không thuộc quyền quyết định của ông mà do ông Đại chỉ đạo, còn có sai phạm hay không thì ông không nắm rõ (?!).
Ông Phát cũng lưu ý, do hoạt động của TTDNMT thiếu hiệu quả nên cần tìm cơ chế “xé rào” (tức là cho thuê lại làm xưởng may) để có điều kiện tồn tại. Còn việc có hợp pháp hay không, thì cứ làm rồi mới biết, rút bài học kinh nghiệm sau…
TTDNMT nằm lọt thỏm giữa cánh đồng vắng, được dẫn từ đường Nguyễn Bá Phát tiếp con đường đất lầy lội vào mùa mưa trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam. Nếu không để ý bảng chỉ dẫn nhỏ xíu tại ngã ba đường Nguyễn Bá Phát giao quốc lộ 1A, có lẽ chẳng ai biết trung tâm ấy nằm ở đâu.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY