Từ nhiều năm nay, tại khu vực chợ Hòa Liên, thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), vào những ngày nắng, người dân thường mang vật dụng đặt giữa lòng đường. Chuyện mang ghế ngáng đường không còn xa lạ ở đây, người dân làm vậy là để hạn chế tốc độ xe tải chở đất đá, vật liệu phục vụ công trình đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan) chạy nhanh, vượt ẩu, làm bụi bay mù mịt.
Người dân dùng ghế ngáng đường xe chạy. |
Con đường ĐT601 chạy qua khu vực nói trên có đoạn đổ bê-tông, có đoạn thảm nhựa, có đoạn là đường đất, chỗ bằng phẳng, chỗ gồ ghề với những ổ gà, ổ voi. Đường chỉ rộng chừng 5m nhưng có hàng loạt xe tải chở đất đá, vật liệu công trình chạy hằng ngày.
Ô nhiễm tiếng ồn, môi trường ngập bụi, bùn, an toàn giao thông bị đe dọa, làm đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây. Ở tổ 4, thôn Quan Nam 3, tình trạng bùn từ công trình thi công đường Hồ Chí Minh vào mùa mưa tràn xuống nhà dân ngập ngang mắt cá chân bao năm nay nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hoặc xử lý dứt điểm.
“Cũng bởi bùn từ công trình làm đường trên núi tràn xuống nên sông Cu Đê nước trong xanh, nhưng vào mùa mưa thì nước đỏ ngầu. Những người nuôi cá nước lợ trên sông Cu Đê thường bị dòng bùn đặc quánh này gây thiệt hại đáng kể.
Còn chuyện người dân mang ghế ngáng đường để hạn chế tốc độ xe tải là do các tài xế “ăn chuyến” nên chạy ẩu, phóng nhanh. Bên cạnh đó, ngày nào có xe công trình hoạt động thì có xe tưới nước, nhưng chỉ tưới sơ qua, 5 phút sau bụi lại bay mù mịt. Ngày không tưới nước, bụi từ ngày trước còn đó cứ thế bốc lên khi có xe chạy qua, rồi bay vào nhà dân...”, ông Phan Thanh Dũng, Bí thư Chi bộ thôn Quan Nam 3 cho biết.
Ngoài những bất cập nói trên, những năm gần đây, tình trạng người dân các nơi khác về thôn Quan Nam 3 sinh sống làm tăng dân số cơ học, gây khó khăn cho công tác quản lý cư trú. “Toàn thôn có 400 hộ nhưng thực tế có hơn 400 nóc nhà. Nhiều người đến đây xây dựng, sinh sống tại khu tái định cư trong thôn nhưng không báo cáo với thôn, dẫn tới khó quản lý nhân, hộ khẩu, trong khi địa bàn thôn rất rộng”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, một điều lo lắng nữa là hiện nay dù thôn chưa có điểm “nóng” về an ninh trật tự nhưng nguy cơ bùng phát tệ nạn xã hội rất lớn. Nguyên nhân bởi tình trạng các gia đình sau giải tỏa, có tiền đền bù, từ đó phát sinh các khoản tiêu pha; con cái dễ nảy sinh tư tưởng ăn chơi, đua đòi. “Từ trước đến nay, thôn chưa hề có tội phạm ma túy. Các vụ gây lộn cũng chỉ là xích mích tạm thời, cãi nhau rồi thôi. Nhưng năm 2016, có một vụ thanh niên trong thôn sử dụng chất ma túy”, ông Dũng lo lắng.
Ông Dũng cũng cho biết, công tác quản lý cư trú vẫn bảo đảm và chưa xuất hiện những bất cập không thể xử lý. Ông chỉ mong sao người dân từ nơi xa đến làm nhà và sinh sống ở Quan Nam 3 tự giác đăng ký tạm trú hoặc trình hộ khẩu để cán bộ Ban nhân dân thôn dễ dàng nắm bắt tình hình, tránh những bất ổn do bị kẻ xấu lợi dụng.
Còn với tình trạng ô nhiễm, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm làm việc với các chủ công trình, các Ban quản lý dự án để họ có trách nhiệm hạn chế xe tải chạy quá tốc độ, bảo đảm tưới nước đúng thời gian và thường xuyên để đường giảm bụi. Chi bộ và Ban nhân dân thôn luôn coi trọng công tác an ninh trật tự và tăng cường tuyên truyền đến người dân, nhất là người trẻ để tránh xa những tệ nạn xã hội…
Bài và ảnh: TRỌNG HUY